Một hiệu ứng quang học kì lạ nữa của điểm nhìn tương đối tính là việc đồng
thời nhìn được nhiều mặt của một vật thể khi quan sát nó từ cửa sổ toa tàu.
Trong cái thế giới hằng ngày của chúng ta, để có thể nhìn được các mặt khác
nhau của một vật sau khi đã nhìn thấy mặt trước của nó, phải có thời gian trôi
đi và vị trí của chúng ta trong không gian phải thay đổi. Tuy nhiên, từ con tàu
cao tốc của chúng ta, cả mặt trước và mặt bên của một vật đều có thể nhìn thấy
đồng thời (Hình 9.6).
Hình 9.6. (Trái) Hình ảnh của ngôi nhà nhìn từ con tàu chuyển động với vận
tốc 5 dặm/h. (Phái) Hình ảnh của ngôi nhà nhìn từ con tàu chuyển động với
vận tốc 93.000 dặm/s.
Với con tàu không ngừng tăng tốc, không gian càng ngày càng bị nén lại cho
đến lúc cuối cùng, tại vận tốc ánh sáng, không gian dọc theo trục chuyển động
của con tàu đã thu lại thành một mặt phẳng mỏng vô hạn, có chiều cao và
chiều sâu, nhưng không có bề dày (Hình 9.7). Một trong những chiều kích của
không gian Euclid, tối quan trọng đối với quan niệm của chúng ta về thực tại
đã thực sự biến mất tại vận tốc ánh sáng!