Hiện tượng về tính tương đối này của vận tốc đã ăn sâu vào trong những
niềm tin chung của chúng ta đến mức lời tuyên bố của Einstein nói rằng vận
tốc của ánh sáng là tuyệt đối và bất biến, đã trở thành một cú sốc ghê gớm về
văn hóa và khoa học, Einstein nói rằng c, vận tốc ánh sáng, không giống như
vận tốc của ôtô, tàu hỏa hay sao chổi, mà là một hằng số thực sự của vũ trụ,
một sự thật siêu hình mẫu, bất khả thay đổi, đứng vượt lên trên mọi quan niệm
từ trước đến nay về thực tại. Đối với tất cả mọi người quan sát, bất kể chuyển
động theo hướng nào hoặc nhanh đến thế nào đi chăng nữa so với một chùm
sáng, thì vận tốc của ánh sáng mà bất kì ai trong số họ do được, cũng sẽ luôn
luôn giống nhau, luôn là 300.000 km/s. Cái giá trị bằng số này chính là giới
hạn về tốc độ của vũ trụ.
Cách thú vị để so sánh những cách tân của Manet, Monet và Cézanne với
thuyết tương đối hẹp của Einstein là thực hiện một chuyến đi trên một đoàn tàu
tưởng tượng đang lao như tên lửa, tăng tốc dần đến vận tốc của ánh sáng.
Chúng ta sẽ thấy những tiên kiến của ba danh họa trên ngày càng trở nên rõ
ràng như thế nào khi chúng ta so sánh những hiệu ứng thị giác hiện lên bên
ngoài cửa sổ toa tàu với những phong cách hội họa của ba người. Trong thí
nghiệm này, chúng ta sẽ giống như cậu bé Einstein, người đã mong muốn biết
thế giới nhìn sẽ ra sao nếu như cậu cưỡi trên một chùm sáng lao vụt đi.
Các phương trình của Einstein không cho phép bất kì một vật thể nào
chuyển động được với vận tốc ánh sáng, bởi vì khi các vật thể đạt ngày càng
gần đến vận tốc ấy, chúng càng tăng khối lượng và vì vậy, càng chống lại việc
tăng tốc. Cuối cùng, chúng đạt tới khối lượng vô hạn, và cần phải có một năng
lượng vô hạn để vượt qua quán tính vô hạn của chúng. Dù không có vật gì hình
thành từ vật chất có thể đạt tới vận tốc ánh sáng, nhưng để trả lời cho câu hỏi
của cậu bé Eisntein và để kết thúc cái gedanken experiment này, chúng ta hãy
tưởng tượng rằng con tàu đặc biệt của chúng ta đã thoát ra khỏi cái quá trình
hạn chế đó và giờ đây đã đạt tới vận tốc ánh sáng. Thế giới sẽ hiện ra như thế
nào trước mắt chúng ta, từ cái mặt bằng quan sát độc nhất vô nhị này? Đây
chính là cái mặt bằng duy nhất trong vũ trụ mang tính “tuyệt đối”.
Hãy tưởng tượng chúng ta ngồi trong toa quan sát của đoàn tàu, trên chiếc
ghế có thể cho phép chúng ta xoay tròn nhìn được cả những gì đang lao tới
cũng như những gì đã lùi lại phía sau, đồng thời cũng có thể cho chúng ta nhìn