Thông thường, nghệ thuật luôn thấy trước những xem xét lại của khoa học
về thực tại. Thậm chí ngay cả sau khi những xem xét lại ấy được phát biểu
trong các tạp chí vật lí hàn lâm, thì các nghệ sĩ vẫn tiếp tục sáng tạo ra những
hình ảnh hòa hợp với những nhận thức mới đó. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thư
từ, lời bình phẩm, các cuộc trao đổi của các nghệ sĩ, thì thấy họ đã hầu như
không hề biết rằng tác phẩm của họ có thể được giải thích dưới ánh sáng của
những nhận thức khoa học mới về bản chất của thực tại. Trong những trường
hợp đó, người nghệ sĩ vẫn tiếp tục làm việc trong sự cô độc huy hoàng, sáng
tạo nên những biểu tượng mới giúp cho những người còn lại như chúng ta ít
nhiều hiểu được ý nghĩa của những khái niệm mới - những khái niệm mà ngay
chính họ, các nghệ sĩ, có thể cũng chưa định hình nên trong tâm trí.
Nguyên lí này cũng đúng khi nhìn ngược từ phía bên kia. Nhà vật lí, khi
khám phá ra bí mật của tự nhiên, cũng thường không biết đến những hình ảnh
tiên cảm của người nghệ sĩ. Hầu như hiếm có nhà vật lí nào, khi đưa ra một lí
thuyết đột phá trong khoa học, lại thừa nhận là đã có một nghệ sĩ tiền bối ảnh
hưởng đến mình. Mặc dù lịch sử đã chứng kiến nhiều tình bạn sâu sắc giữa các
nhà khoa học và nghệ sĩ, nhưng những bậc thầy cách mạng trong nghệ thuật và
những nhà khoa học có tầm nhìn sâu xa trong vật lí có vẻ lại cách biệt nhau
đến khác thường. Picasso và Einstein, những người mà tôi sẽ chứng minh là có
cùng một viễn kiến, chưa hề gặp nhau hoặc tỏ ra quan tâm đến tác phẩm của
nhau.
Vì nghệ thuật tạo hình không tồn tại độc lập với âm nhạc, sân khấu, thi ca,
văn học, triết học và kiến trúc, nên tôi sẽ dệt những đường sợi đó vào tấm vải
của câu chuyện này khi nào thấy phù hợp. Tuy vậy, sợi chỉ chủ đạo của cuốn
sách này sẽ là nghệ thuật tạo hình của nền văn minh phương Tây trên cái nền
của khoa học vật lí. Sợi chỉ này sẽ được lần theo từ Lưỡng Hà, Ai Cập, Hi Lạp
rồi La Mã cổ đại. Sợi chỉ có vẻ như bị đứt trong đoạn gãy của Kỉ nguyên Tăm
tối, nhưng trong cái giai đoạn đêm trường ấy, nó thực sự vẫn được se dệt một
cách thầm lặng vào châu Âu, rồi lại đột ngột ló ra vào thời Trung Cổ và rồi,
giống như con phượng hoàng hồi sinh từ tro lửa, nó tái xuất hiện một cách huy
hoàng trong thời Phục hưng. Nền văn hóa mà chúng ta gọi là truyền thống
phương Tây ấy từ đó trải rộng mãi ra, cho đến khi bao trùm cả châu Âu và các
nước châu Mĩ.