số đó được vì ở cùng nhau, chúng đều là không kết hợp. Giống như một đám
đông người, một số thì chạy, một số thì đi bộ, số khác thì lập cập tụt lại đằng
sau, tất cả đều lệch pha đối với nhau, Einstein đã xây dựng thành lí thuyết cho
rằng trong một số điều kiện nhất định, ánh sáng có thể phát ra từ những nguyên
tử bị kích thích theo cách sao cho các sóng giống hệt nhau về mọi phương diện
và lan truyền trong không gian giống như một đạo quân được luyện tập thành
thục, chân bước đều tăm tắp trong một cuộc diễu binh. Nếu ánh sáng có thể
được thuần hóa và buộc phải đi đều theo kiểu nhà binh chính xác như vậy, thì
theo Einstein, ánh sáng đó có thể sẽ chỉ có một màu tinh khiết duy nhất, được
xác định bởi nguồn của nó là nguyên tử phát xạ. Bốn mươi năm sau, vào năm
1960, Theo Maiman đã tạo ra tia laser đầu tiên. LASER, từ được ghép lại bằng
các chữ cái đầu tiên của nhóm từ tiếng Anh Light Amplification by Stimulaled
Emission of Radiation (sự khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích), chính
là sự hiện thực hóa suy đoán năm 1917 của Einstein.
Đặc điểm gây ngạc nhiên nhất của ánh sáng laser là tính kết hợp; nó không
tán xạ và thuần túy đơn sắc. Ánh sáng laser lam thì không thể là cái gì khác
ngoài sắc xanh lam. Cho nó đi qua các lăng kính, các tấm lọc, hoặc các môi
trường khác nhau, nó vẫn không thay đổi tính bền màu của mình. Sự gắn bó
lập dị của Picasso với một gam màu đơn sắc ở thời điểm mười sáu năm trước
khi Einstein nói về nó và sáu mươi năm trước khi Maiman tạo ra nó, đã tiên
đoán cho việc xuất hiện của thứ ánh sáng mới mẻ bất biến này, và Picasso đã
chọn màu xanh lam - màu của năng lượng cao - hơn là các màu xanh lục, vàng
hay đỏ.
Đầu thế kỉ hai mươi, các cửa hiệu cung cấp họa phẩm đã phải tăng đơn đặt
hàng loại phẩm màu xanh Cobalt và xanh da trời, vì hết họa sĩ này đến họa sĩ
khác đua nhau cố “xanh hơn” người khác. Trong một tuyên bố không thể thốt
ra ở các giai đoạn nghệ thuật trước đấy, Franz Marc, một họa sĩ trừu tượng thời
kì đầu, đã dõng dạc nói: “Xanh lam là cái nguyên tắc nam tính, cường tráng và
đầy trí tuệ”. Các họa sĩ trường phái Biểu hiện Đức đã quyết định lấy tên Kị sĩ
Xanh làm tên chung và vẽ ra một loạt bức tranh có màu thống trị là xanh lam.
Paul Klee là một thành viên của nhóm đó và sau đó hơn một thập kỉ, ông cùng
với ba họa sĩ khác lập thành một nhóm kế thừa nhóm Kị sĩ Xanh, gọi là Bộ tứ
Xanh. Năm 1910, một nhóm họa sĩ ở Moscow đã tự gọi mình là nhóm Hoa