cháu của những truyền thống cổ điển đó, nên những khởi đầu cổ xưa ấy đã chất
nặng hậu quả lên chúng ta. Bên cạnh đó, như chúng ta sẽ thấy, còn một di sản
nữa của hệ thống tư duy Hi Lạp mà sẽ phải mất nhiều thế kỉ mới gạt bỏ được -
đó là ý niệm về tính nhị nguyên của thực tại. Democritus vào thế kỉ thức năm
trước CN đã tuyên bố rằng toàn bộ thế giới được tạo lập nên chỉ bởi hai thành
tố: các nguyên tử và chân không. Sự quy giản từ con số vô vàn các hình thức
xuống còn hai là đỉnh điểm của tư duy nhị nguyên luận. Đạo Cơ đốc đã công
nhận thuyết nhị nguyên khi phân định rạch ròi giữa tốt và xấu, giữa thiên
đường và địa ngục. Nhị nguyên luận cũng hiển hiện trong triết học của
Descartes về “cái ở đây / cái ngoài kia”, cũng như trong việc khoa học phân
chia thế giới ra làm hai phần - quan sát và bị quan sát. Trong khi quan niệm về
tính nhị nguyên này là một nấc thang sống còn trong toàn bộ cái thang tư
tưởng đưa chúng ta đạt được tới một mặt bằng tiếp sau cao hơn, thì trong một
thời gian rất dài, chính nó lại kìm bước chân ta leo lên cao hơn nữa.
Những người La Mã chiến thắng sau đấy đã tiếp nhận thế giới quan Hi Lạp
và xây dựng nền văn hóa của mình theo kiểu mẫu đó. Thế giới cổ điển kéo dài
khoảng tám trăm năm (từ năm 400 trước CN đến năm 400 sau CN). Là một
dân tộc thực dụng, người La Mã chấp nhận các quy ước của người Hi Lạp liên
quan đến không gian, thời gian và ánh sáng cùng với hầu hết các phương diện
khác của nền văn hóa Hi Lạp. Mặc dù có thời gian lâu dài và phạm vi rộng lớn
như vậy, nhưng điều đáng ngạc nhiên của đế chế Đại La Mã là hầu như rất ít tư
tưởng sáng tạo về các quan niệm ấy đã xảy ra. Có lẽ sự thiếu vắng tính độc đáo
và việc tôn sùng đến mức nô lệ các lí tưởng cổ điển của nền văn hóa Hi Lạp
trước đó chính là nguyên nhân làm cho cái hệ thống này bị suy hao dần sức
sống. Nhưng dù suy hao gì đi chăng nữa, nó đã thực sự tồn tại trong một thời
gian, Rồi đạo Cơ đốc, bắt đầu đi lên từ những năm 400 sau CN, đã che mờ cái
hệ thống duy lí mà Euclid, Plato và Aristotle từng nghĩ ra. Các quan niệm Cơ
đốc giáo về những khái niệm không gian, thời gian và ánh sáng, về cơ bản, đã
xung khắc với những khái niệm của Hi Lạp cổ điển.