nhận rằng những ý tưởng phi chính thống đã thấp thoáng trong hội họa và điêu
khắc thời ấy chính là những lời tiên báo về sự thay đổi.
Trong xã hội, các nghệ sĩ nhào lộn là nhóm người chuyên biệt nhất thường
xuyên cưỡng lại các định luật của lực hấp dẫn. Tuy nhiên, mặc dù luôn là một
phần của nền văn hóa phương Tây kể từ thời cổ đại, các nghệ sĩ nhào lộn chưa
bao giờ là chủ đề của nghệ thuật trong suốt hai nghìn năm, trừ một vài ngoại lệ
rất hiếm hoi. Ấy vậy mà họ đột nhiên lại xuất hiện tràn ngập, ngay trước khi
các nhà vật lí vạch ra được bản chất gây ảo giác của địch thủ vô hình mà các
nghệ sĩ nhào lộn đã đẩy lui được là lực hấp dẫn.
Manet bắt đầu quan tâm đến các nghệ sĩ nhào lộn, và đưa họ thành chủ đề
của các bức vẽ bằng bút mực vào năm 1862. Tác phẩm La La ở Rạp xiếc
Fernando, Paris của Edgar Degas năm 1867 (Hình 23.1) đã miêu tả một diễn
viên nhào lộn trên dây cao đang lơ lửng giữa không trung. Không những chỉ
La La của ông đã thách thức định luật về lực hấp dẫn, mà Degas còn làm rối
loạn những manh mối định hướng thông thường khác: không có đường chân
trời rõ rệt trong tranh, và qua bố cục, các xà trần và góc nhìn làm bối rối người
xem bởi kiểu phối cảnh khác thường của nó. Đối lập hẳn với các sơ đồ tĩnh,
đầy tính cân đối kiến trúc của hầu hết những bố cục trước đó của mình, trong
tác phẩm Rạp xiếc (1891) (Hình 23.2) Georges Seurat cũng sử dụng chủ đề
nghệ sĩ nhào lộn, qua việc đặt một cô vũ nữ đứng trên lưng ngựa phi nước đại
chênh vênh đến mức dường như không thể không bị lực hấp dẫn kéo ngã nhào
khỏi lưng ngựa. Trong giai đoạn 1903-1904, chàng thanh niên Picasso đã miêu
tả, hầu như duy nhất, một gia đình nghệ sĩ xiếc rong. Mấy năm ngay trước khi
Einstein làm cuộc cách mạng trong vấn đề về bản chất của hấp dẫn, những
nghệ sĩ nhào lộn và tung hứng ấy, ví dụ như Chú bé nhào lộn trên quả bóng
(1905) (Hình 23.3) đã trở thành những đề tài chủ yếu trong Thời kì Hồng của
Picasso.
Như đã bàn ở Chương 14 trước đây, trong giai đoạn những năm 1907-1912,
Pablo Picaso và Georges Braque đã phát triển quan điểm sâu sắc của Cézanne
về mối quan hệ giữa không gian và khối lượng đến cực điểm logic của nó, và
trong quá trình ấy, các ông đã sáng tạo ra một cách thức hoàn toàn mới để thể
hiện thực tại thị giác. Phong cách Lập thể đã đập tan khối lượng của các vật thể
thành muôn vàn mảnh nhỏ. Các họa sĩ Lập thể đã tái sắp xếp lại những mảnh