quanh nó. Các nhà thiên văn gọi những ngôi sao ấy là các “sao lùn trắng”.
Đường kính của chúng chỉ khoảng vài chục nghìn kilomet, chứ không phải
hàng tỉ hay hàng nghìn tỉ, và khối lượng riêng của chúng vào khoảng hàng
nghìn tấn một centimet khối. Chúng tồn tại ở trạng thái le lói hồng hồng như
vậy một cách vĩnh viễn.
Nhưng nếu khối lượng của một ngôi sao lại lớn hơn 1,4 lần khối lượng của
mặt trời, thì thậm chí lực bài xích lẫn nhau của các electron mang điện tích âm
cũng không cưỡng lại được vòng xiết nghiệt ngã của lực hấp dẫn. Thanatos cứ
từ từ, tàn nhẫn cưỡng bức các electron phải hôn phối một cách miễn cưỡng với
các proton trong hạt nhân, tạo ra một số lượng nơtron ngày càng tăng. Giống
như electron, các hạt nơtron cũng cưỡng lại việc phải chia sẻ không gian chật
ních của chúng với đồng loại. Các đám đông này không khác gì một đám tù
nhân sưng sỉa bị lèn chặt trong một phòng giam quá chật chội, vốn được thiết
kế không phải để chứa một số lượng phạm nhân nhiều đến thế. Cái chết đặc
biệt kiểu này của một ngôi sao đã tạo ra một khối xỉ thàn cháy tàn, siêu đặc mà
các nhà vật lí thiên văn gọi là “sao nơtron”. Trong trường hợp này, những gì
còn lại của một ngôi sao đầy kiêu hãnh trước kia giờ sẽ bị ép chặt thành một cỗ
quan tài đường kính chỉ vài chục kilomet, mà khối lượng riêng của nó lớn đến
mức một bao diêm đựng vật chất của nó cân nặng tới bốn mươi tỉ tấn.
Cái chết của một ngôi sao nặng hơn 2,5 lần khối lượng mặt trời của chúng ta
(tình cờ lại là kích thước trung bình) đi kèm với một sự nén ép kinh khủng
khối vật chất đã cháy hết vào một không gian thậm chí còn nhỏ hơn nữa. Cái
mà trước kia là một thiên thể khổng lồ có đường kính đo bằng kilomet nhân
với 10 mũ 6 hay mũ 7, giờ kết thúc trở thành một cái xác chết mà bề rộng chỉ
khoảng vài cây số. Không có gì cản được đường nó, Thanatos, bằng vòng tay
gấu xiết chặt tàn nhẫn của mình, đã gầm gừ hổn hển, thật sự bóp chết nghẹt
một người khổng lồ. Vùng không-thời gian xung quanh đã bao bọc ngôi sao
chết bằng tấm vải liệm bị uốn cong. Khối lượng riêng vật chất trong những
ngôi sao chết ấy lớn đến mức ánh sáng đã vĩnh viễn không thế thoát ra khỏi
chúng.
Cái chết chính là ẩn dụ hoàn hảo nói về trường hợp đặc biệt cuối cùng này.
Sự tắt lịm của ánh sáng xảy ra là do lực hấp dẫn vô hình, tăm tối đã bóp chết
nghẹt một ngôi sao khổng lồ. Cả ánh sáng của ngôi sao, hằng số của vũ trụ, và