một sự lựa chọn để cho con thú có vú ấy thực hiện, hoặc là thách thức con đực
trưởng thành hơn, hoặc là kìm hãm ham muốn lại.
Con người, do được ban tặng món quà là vỏ não, có ý chí tự do, là thứ giúp
chúng ta có thể chế ngự được các cảm xúc của mình và điều chỉnh phản ứng
của chúng ta trước những khiêu khích của môi trường. Một con người có nhiều
lựa chọn; ngựa có rất ít, thằn lằn nhỏ hoàn toàn không. Bất kì ai là người quan
sát sắc sảo môi trường của con người đều đồng ý rằng ở phần lớn thời gian, sự
khác biệt là rất mờ nhạt. Lớp vỏ của nền văn minh rất giống cái tầng mỏng
ngoài cùng của vỏ não. Cả hai đều là những hàng rào ngăn những sục sôi
nguyên thủy đang vọt lên từ phía dưới sâu, đòi được giải thoát khỏi những con
đường biên ngầm của chúng. Bởi vì bán cầu não phải già hơn bán cầu não trái,
nên nó là bán cầu phản ứng với xúc cảm và bản năng - những kẻ lưu nhiệm lại
giống từ một thời kì tiến hóa sớm hơn trước đó.
Trong những trình bày tiếp sau đây, tôi sẽ phân loại bốn đặc tính chủ yếu của
mỗi bán cầu. Đặc tính lớn đầu tiên của bán cầu phải là tồn tại thuần tuý. Bởi vì
ở gần hơn các di sản lại giống của loài người chúng ta, nên bán cầu não phải
đánh giá tốt hơn bán cầu não trái những trạng thái tình cảm là những biểu hiện
phức tạp của xúc cảm con người như tiếng cười, niềm tin, lòng yêu nước, cảm
giác ngây ngất, tình yêu, cảm nhận mĩ học và sự hòa hợp.
Đối với những trạng thái tình cảm ấy, không có một sự xếp loại nào rạch ròi.
Mỗi một thứ trong chúng chỉ đem đến cho người cảm thấy chúng một báo cáo
không rõ ràng, không thể nói ra được một cách chính xác hay thỏa đáng bằng
ngôn ngữ khoa học. Chúng rất mơ hồ mỗi khi có ai đó muốn ấn định về chúng
một cách tách bạch. Chúng là không rời rạc.
Hơn thế nữa, các trạng thái tình cảm là phi logic, bất chấp mọi quy tắc của lẽ
phải thông thường. Người ta không thể bị thuyết phục để có được hay thoát ra
khỏi được một trạng thái tình cảm. Khi Blaise Pascal bình luận "Le coeur a ses
raisons que la raison ne connaît pas" ("Trái tim có những lí lẽ mà lí trí không
hiểu được”), ông đã chỉ ra sự khác biệt giữa loại hiểu biết đang diễn ra trong
nửa phải tình cảm của não, đối lập với loại ở nửa trái bên kia.
Các trạng thái tình cảm là đích thực, một khi ai đó trải nghiệm tình yêu hay
cảm giác ngất ngây, anh ta biết được nó bằng một thẩm quyền bên trong của
mình, và tính chân thực của nó là điều không còn tranh cãi.