đều sống quá xa mặt đất để sự đánh hơi trở nên hữu ích trong việc tìm kiếm
thức ăn. Hơn thế nữa, nhất là đối với linh trưởng, nhìn được rõ ràng và đánh
giá được chính xác các khoảng cách là một vấn đề giữa cái sống và cái chết.
Định hình bởi các áp lực môi trường này, thị giác của hai dạng sống này đã tái
khẳng định được bá quyền trước kia của nó. Để thỏa mãn nhu cầu nhìn được cả
ban ngày lẫn ban đêm của linh trưởng, cũng như nhìn gần lẫn nhìn xa, độ phức
tạp của võng mạc mắt linh trưởng đã tăng lên, dựa trên quá trình chuyên môn
hóa đã bắt đầu ở những loài trước đó. Đã xuất hiện hai vùng chức năng khác
hẳn nhau do đặc tính của hai loại tế bào thần kinh đối lập nhau nằm dày đặc
trên võng mạc: tế bào hình que ở rìa ngoài, tế bào hình nón ở trung tâm.
Tế bào hình que, gọi theo hình trụ dài của nó, vô cùng nhạy cảm với ánh
sáng. Tiến hóa nguyên thủy từ những đêm dài động vật có vú căng mắt tìm
kiếm một chút ánh sáng ít ỏi nhất, chúng cho phép các con thú có vú nhìn được
trong đêm tối. Chức năng của chúng dưới ánh sáng ban ngày đã được mở rộng
để cho sinh vật nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh của thế giới trước mặt nó.
Do các tế bào hình que được bố trí đều đặn ở vành ngoài của võng mạc, chim
chóc và linh trưởng giờ đây đã có thể nhận thấy tất cả mọi cái trong tầm nhìn
của chúng ngay tức thì, trong một dạng thức toàn cảnh. Bằng việc cung cấp
cho bộ não thông tin cần thiết để tích hợp mối quan hệ của các bộ phận thành
một tổng thể, tế bào hình que đã đem đến cho thị giác tính chất tất-cả-tức-thì.
Ở con người, chức năng này của võng mạc quan trọng đến mức các tế bào
hình que đã huy động toàn bộ cơ thể giúp nó thực hiện: mi mắt dãn ra, các cơ
giảm căng đi trong khi đồng tử dãn to để thu nhận tối đa ánh sáng. Hai mắt
không tập trung nhìn vào một điểm nào cụ thể để có thể nhìn thấy toàn bộ
quang cảnh, các Cơ xương chùng xuống ở một tư thế thư giãn, trong khi tâm
trí, giống như hộp số một chiếc ôtô, chuyển về chế độ chạy không tải. Trạng
thái thị giác, sinh lí và tâm lí này được gọi là trầm tư. Bán cầu phải của bộ não
là bán cầu có khả năng tốt nhất đánh giá được những trạng thái này, bởi vì bán
cầu tất-cả-tức-thì già hơn bán cầu lần-lượt-từng-thứ. Về mặt tiến hóa, tế bào
hình que già hơn tế bào nón; tất cả các loại con mắt đều có chúng.
Tế bào hình nón, loại thành tố thứ hai tạo nên võng mạc, nói theo ngôn ngữ
tiến hóa, là những người mới đến và chức năng của chúng là một cái gì đó mới
mẻ
. Chúng tụ tập dày đặc ở vùng trung tâm mắt gọi là macula “điểm vàng”,