du temps perdu của mình; sau nhờ Léon Daudet cực lực khen ngợi,
ông được nổi tiếng và nhà Nouvelle Revue française đến xin lỗi, năn
nỉ ông nhượng bản quyền cho.
Một nhà xuất bản lớn ở Pháp như nhà ấy, mướn những người
chuyên môn đọc bản cảo để quyết định nên mua hay không mà còn
lầm lẫn như vậy, nói chi các nhà xuất bản của mình!
*
Sau khi gởi bản cảo tới nhà xuất bản, bạn phải đợi từ một tới sáu
tháng mới được kết quả. Nếu họ không mua thì họ phải trả lại bản
cảo cho bạn (nhà báo trái lại, có quyền không gởi trả những bài
không đăng). Nếu mua, họ sẽ ký với bạn một tờ giao kèo mà tôi sẽ
xét kỹ trong chương sau. Tờ giao kèo nầy định quyền tác giả, sách
bán ế thì nhà xuất bản chịu lỗ, chạy thì nhà xuất bản được lời. Đó là
theo nguyên tắc, trong thực tế có hơi khác.
Có lẽ từ cổ chí kim mới có một nhà xuất bản là nhà Charpentier
rộng rãi với nhà văn tới nỗi khi thấy tiểu thuyết Fromont Jeune et
Risler ainé của A. Daudet bán chạy quá, thì xé ngay tờ giao kèo cũ
mà làm lại một tờ khác có lợi gấp bốn cho tác giả. Còn phần đông thì
nếu sách bán ế, người ta xin rút quyền tác giả xuống, hoặc xin trả trễ,
làm nhiều kỳ, trái lại sách bán chạy thì cứ theo đúng giao kèo mà thi
hành. Như vậy là đúng đắn lắm rồi đấy. Có kẻ còn bắt nhà văn chầu
chực năm lần bảy lượt mà vẫn không chịu trả, có kẻ lại đòi nhốt
Voltaire, Rousseau, Diderot trong nhà, nuôi cho mập rồi bắt viết, viết
thật nhiều, mỗi ngày đều đều một số trang nhất định, y như chúng
ta nuôi gà mái để lấy trứng! Vì công ích mà!
Ý nuôi nhà văn như nuôi gà đó không được ai theo, nhưng cách
săn sóc nhà văn như săn sóc ngựa đua thời nay rất thịnh hành ở Âu
Mỹ.
Tại mỗi nước văn minh, mỗi năm có hàng chục giải thưởng văn
chương mà nhiều giải như giải Goncourt ở Pháp làm lợi cho nhà văn
được khoảng triệu bạc và lợi cho nhà xuất bản gấp hai, gấp ba số đó.