CHƯƠNG I
TỜ GIAO KÈO NHƯỢNG BẢN QUYỀN
Tác giả một cuốn sách hoàn toàn làm chủ cuốn đó
Simon Marion (1586)
Có người bảo không ai bênh vực quyền lợi của mình mạnh mẽ
bằng nhà văn. Lời ấy áp dụng vào văn nhân Âu, Mỹ thì đúng; vào
văn nhân nước ta thì mười lần sai tới chín, vì mười người may lắm
được một người hiểu rõ quyền lợi của mình.
Nguyên nhân một phần là do ta có nhiều nhà văn tài tử, cho viết
văn không phải là một nghề. Ở đầu cuốn nầy, tôi đã nói quan niệm
ấy là quan niệm chung của các nhà văn phương Đông từ thế kỷ 19
trở về trước, và chúng ta mới biết về quyền tác giả độ chục năm nay,
trong khi quyền ấy xuất hiện ở Âu châu từ khi nghề in thịnh hành,
nghĩa là khoảng ba, bốn thế kỷ.
Trước công nguyên, tại La mã đa có nhiều tiệm sách, song khi
đem bản cảo giao cho một tiệm, nhà văn đã chẳng được lãnh một số
tiền nào cả mà còn mất luôn quyền sở hữu về tác phẩm của mình, vì
tác phẩm đã hoàn toàn thành của công, ai muốn phỏng, cóp cũng
được, luật lệ không hề ngăn cấm. Tình trạng ấy y như ở phương
Đông ta hồi xưa.
Tới thế kỷ 16, tại Pháp có Simon Marion bắt đầu bênh vực nhà
văn, ông tuyên bố: “Tác giả một sách hoàn toàn làm chủ cuốn đó”.
Thời ấy, quan niệm đó còn mới mẻ quá, cho nên không ai cho
Marion là có lý và nhà vua vẫn bênh vực các tiệm sách, làm thiệt thòi
cho nhà văn. Văn nhân thường bán đứt tác phẩm lấy một số tiền
nhất định, nhà xuất bản sau đó có tái bản bao nhiêu lần nữa cũng
không phải trả thêm quyền tác giả.
Tới thế kỷ 18, quyền tác giả cũng không được trọng hơn. Một nhà
xuất bản nọ tự do in một tác phẩm của Voltaire, chẳng cần xin phép