Trước khi xét mẫu giao kèo đó, chúng ta nên biết qua về các kiểu
giao kèo thường dùng từ trước tới nay.
* Giao kèo nhượng trọn quyền. Cách thức nầy lợi cho nhà văn ở chỗ
có thể lãnh ngay được một số tiền quan trọng. Ở Âu châu, cách ấy
chỉ dùng khi nào nhà xuất bản đặt cho nhà văn viết một cuốn sách
theo những chỉ thị đã định trước. Ở nước ta, cách ấy rất thịnh hành
vì nhiều nhà văn thiếu tiền, hoặc không biết rõ quyền lợi của mình,
nhà xuất bản bắt sao họ cũng chịu.
* Giao kèo nhượng quyền. Cách thức nầy hợp lý, công bình hơn.
Nhà xuất bản có quyền xuất bản sách của bạn trong một thời gian
nhất định nào đó, và phải trả tiền cho tác giả từ 5 đến 20 phần trăm
tổng số giá sách bán
. Mỗi lần tái bản, bạn đều được hưởng
quyền ấy như lần in đầu tiên.
* Giao kèo hùn vốn. Có những sách khảo cứu bán rất chậm mà in
rất tốn, không nhà xuất bản nào chịu mua bản quyền, tác giả phải
xuất vốn để hùn với nhà xuất bản, hoặc một phần ba, hoặc một nửa
tổng phí, rồi hai bên chia nhau số tiền thu về theo thể thức sau nầy:
Nhà văn để cho nhà xuất bản 50% bù vào số tiền hoa hồng cho các
nhà đại lý những phí tổn chung; còn 50% thì chia cho hai bên, tùy
theo công viết của tác giả và số vốn của mỗi bên.
Xuất bản sách theo cách đó, bạn không cầu lợi về tiền bạc mà chỉ
mong có lợi về tinh thần.
* Giao kèo in hộ. Bạn phải chịu trọn phí tổn về in. Khi bán, trừ 50%
để bù số tiền hoa hồng và phí tổn chung, còn bao nhiêu bạn lãnh hết.
Nếu bạn chắc tác phẩm của bạn sẽ bán được, nếu bạn lại có đủ vốn
và quen một nhà xuất bản đừng đắn thì cách sau cũng có lợi cho bạn
lắm. Bán tác phẩm, trung bình bạn chỉ được 10%; bỏ vốn nhờ in hộ,
bạn có thể được trên 20% vì vốn in chỉ vào khoảng 20 tới 30%, mà
bạn lãnh được hết thảy 50%. Vốn đó, chỉ nội sáu tháng bạn lấy về
đủ, nếu sách bán khá chạy; nếu sách bán ế, tất nhiên bạn phải chịu
thiệt.