gì cả, chỉ cần nhắn tác giả trong mấy hàng in ở trang đầu, đại ý rằng:
Tác phẩm đó lợi ích cho đại chúng nên y in lại, và chắc Voltaire
không trách y vì y có công làm cho nhiều người thưởng thức văn của
ông. Cái câu nhắn đó nghe mới ngọt ngào làm sao! Nhưng không rõ
Voltaire có biết điều mà cảm ơn y chăng?
Mới cách đây vài năm, nhân vụ một tờ nhật báo tự tiện trích đăng
bài ở tập Cảo Thơm của Hồ Hữu Tường, một nhà “ngôn luận” lõi đời
ở Sài gòn cũng dùng cái giọng ngây thơ ấy mà trách nhà văn họ Hồ
đã không biết ơn nhà báo “truyền bá giùm” những bài của mình,
còn đòi kiện là đạo văn nữa. Họ Hồ quả đã không biết hy sinh cho
văn hóa!
Năm 1777, vua Louis XVI ra một chỉ dụ thu hẹp quyền lợi của nhà
xuất bản và cho nhà văn những quyền lợi vô hạn, được phép in ấn
tác phẩm của mình rồi bán lấy.
Tức thì các nhà xuất bản nhao nhao lên phản đối, còn phe văn
nhân thì nắm tay nhau bênh vực quyền lợi của mình. Hăng hái nhất
là Balzac. Ông hô hào đòi quyền tác giả phải được vĩnh viễn, bảo
rằng diễn một vở kịch mà không xin phép tác giả thì cũng như ăn
cắp một cách tráo trợn vật quý nhất của người ta.
Nhưng rốt cuộc, phe văn nhân cũng vẫn thua, chỉ dụ bị bãi bỏ và
phải đến sau cuộc đại cách mạng Pháp từ năm 1793 trở đi, mới có
những sắc lệnh định rằng quyền tác giả được kéo dài tới 50 năm sau
khi tác giả chết. Đó là một bước tiến đáng mừng, nhưng các văn
nhân Pháp chưa được thỏa mãn, cho nên cuối thế kỷ trước, họ họp
nhau thành hội, lập nhiều dự án để quy định luật lệ về tờ giao kèo
xuất bản rồi trình cho chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên chưa dự án
nào được chuẩn y và hiện nay người ta vẫn còn dùng một kiểu mẫu
giao kèo do một nhóm vừa nhà xuất bản vừa nhà văn thỏa thuận với
nhai mà lập ra năm 1917.
*