CHƯƠNG IV
TÂM LÝ ĐỘC GIẢ
Nhà văn có thể không cần tiền, cũng có thể không cần danh,
nhưng nhất định là phải cần độc giả. Tất nhiên có tác phẩm kén độc
giả, có tác phẩm không ; có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho
hậu thế
, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình, nếu
không thì viết làm gì?
Vậy chỉ những kẻ điên như Huy Cận trong bài tựa cuốn Kinh Cầu
Tự mới cả gan dám khinh miệt độc giả, còn nhà văn nào cũng cần
tìm hiểu bạn đọc của mình.
Độc giả có thể trách tác giả ba điều: viết dở, viết khó quá, bán đắt
quá.
Về hai điều trên, nhà văn phải nhận lỗi. Mỗi tác phẩm khi đã bày
ở tiệm sách là tìm những độc giả thích hợp với nó: chẳng hạn loại
tiểu thuyết lá cải tìm những độc giả bình dân, khảo cứu tìm hạng
trung lưu có học. Nếu chính những độc giả đó phải chê là viết thiếu
nghệ thuật hoặc khó hiểu quá thì nhà văn không còn tự bào chữa gì
được nữa.
Có những kẻ mỉa mai:
- Độc giả bây giờ ấy mà, chỉ thích Tống Chân, Cúc Hoa, Chinh
Đông, Chinh Tây… thì làm sao tiểu thuyết của tôi bán chạy được?
Hoặc bĩu môi nói:
- Chưa có sức học phổ thông mà dám chê sách là khó hiểu.
Những kẻ đó đều vô lý. Tôi nghĩ ta phải tùy theo trình độ của độc
giả mà viết, độc giả có hiểu ta, thích ta rồi ta mới dần dần hướng dẫn
họ được. Hãy luyện một lối văn bình dị rồi kể những chuyện ly kỳ
trong xã hội chúng ta đương sống đi, thử xem quần chúng có bỏ
Chinh Đông, Chinh Tây mà đọc tiểu thuyết của ta không? Mà nếu