thức trọn đêm để sửa chữa được một trang, phải chép lại bản thảo
ba bốn lần, phải chầu chực ở nhà in hàng tháng để kiểm soát việc ấn
loát, có khi phải đích thân chạy đi mua chữ về sắp lấy?
Tốn công đã lắm, tốn của cũng nhiều, mà vì là loại khảo cứu
không dám in ra trên ngàn rưỡi cuốn, thì giá sách dù có đắt gấp đôi
những tiểu thuyết viết trong bảy ngày và in một lần năm mười ngàn
bản, cũng vẫn là rẻ, rẻ lắm. Độc giả hiểu sao được những tình cảnh
đó?
Nhưng nhà văn không nên buồn vì vậy, và khi lựa nghề viết văn,
như tôi đã nói, bạn đã mặc nhiên ký giao kèo với xã hội, chịu nhận
trước mọi sự bất công rồi, không được ân hận gì cả. Bạn luôn luôn
phải rán gom lần lần được một số độc giả trung thành để bảo đảm
tương lai của bạn.
Emile Henriot nói:
“ Ba nghìn độc giả trung thành, biết cách đọc, thích cách suy nghĩ và
phô diễn của bạn, đoán rõ những “ý tại ngôn ngoại” của bạn, đợi sách mới
của bạn rồi mua, về giới thiệu với người chung quanh làm cho họ thích nó:
đó, tham vọng của một nhà văn có tư tưởng nên hạn chế ở chỗ ấy là gom
được một nhóm bạn hữu tận tâm, hữu ích một cách thông minh. Việc đó
không phải một ngày làm nên được đâu ; nhưng cái nhóm người có thiện
cảm ấy, một khi đã có rồi thì mỗi ngày nẩy nở thêm lên, nếu nhà văn đáng
cho họ mến ; và không có gì ngăn cản nhóm trí thức ưu tú đó một ngày kia
thành đa số độc giả. Tất cả những đại văn hào thế kỷ nầy đều trông cậy vào
nhóm ấy, từ Stendhal tới A.France.”
Được một nhóm độc giả trung thành và thông minh, có lẽ là phần
thưởng quí nhất của nhà văn. Và theo tôi, nếu nhóm đó là thanh
niên thì trách nhiệm nhà văn khá nặng, phải hướng dẫn cả một thế
hệ, nhưng cái vui cũng cao hơn mà công việc cũng dễ có kết quả hơn
vì bạn trẻ vốn nhiều nhiệt huyết.
Thi hào Alfred de Vigny suốt đời chỉ mong được như vậy.
Trong bàn thơ L’esprit pur (Tinh thần trong sạch) ông viết: