độc giả chưa có sức học phổ thông thì ta càng phải viết rất rõ ràng
cho độc giả biết được những điều phổ thông rồi dần dần tiến sâu
vào con đường học vấn. Như vậy mới là làm tròn trách nhiệm của ta
chứ. Tôi tin rằng điều gì hiểu rõ thì tất giảng được mà nếu giảng
không được thì là vì hiểu không rõ.
Ngoài ra ta lại nên biết tâm lý chung của độc giả là không có thì
giờ mà cũng không chịu mệt óc để đọc cẩn thận và tìm hiểu, cho nên
ta lại càng phải viết minh bạch.
Đến điều chê thứ ba: “sách bán đắt quá” thì tôi phải nhận rằng,
trong ít nhiều trường hợp, độc giả không hiểu rõ tình hình sách ở
nước nhà.
Tôi nhớ đã đọc một bài ký tên “Một độc giả” đăng trên báo Việt
Thanh mấy năm trước. Tác giả bài đó kể chuyện một hôm vào tiệm
sách nọ, gặp một người bạn muốn mua cuốn Nho giáo của Trần
Trọng Kim mà còn đắn đo, so sánh giá tiền với số trang xem sách đắt
hơn tiểu thuyết nhiều không, rồi tác giả kết luận:
“Sách thời nầy đã thành một món hàng thì ta phải xét nó như xét một
món hàng. Một thước vải với một thước lụa khổ bằng nhau mà giá đâu có
như nhau? Một cây viết Parker với một cây viết Pilot giá cách nhau một
trời một vực thì sách đáng lý cũng phải vậy chứ? Mua bất kỳ món hàng gì,
ta xem phẩm lẫn lượng mà sao mua sách ta chỉ chú ý tới lượng?”
Xã hội quả có bất công như vậy. Sách là một món hàng cần phẩm
nhứt chứ không cần lượng thế mà một khi in xong bày ở tiệm thì
người mua phần đông chỉ xét tới lượng. Một tấm khăn bàn thêu tay
có khi đắt gấp năm một tấm thêu máy thì không ai chê là cao giá,
còn một tác phẩm viết công phu gấp mười một tác phẩm khác thì
phần đông độc giả lại không chịu phân biệt vàng thau.
Tuy nhiên, xét cho kỹ, lỗi cũng không phải ở độc giả. Đại đa số
độc giả làm sao rõ được công phu trứ tác, rồi công phu in và số sách
in ra? Có mấy người tưởng tượng được rằng phải đọc hàng chục,
hàng trăm cuốn sách mới viết được một cuốn sách khảo cứu, phải