CHƯƠNG III
NHỮNG ĐIỀU-KIỆN ĐỂ THÀNH-CÔNG
Nếu bạn thấy vô cùng hăng hái trong khi làm việc thì gần như
không có việc gì mà bạn không thành công
CH. SCHWAB
Đối với nghề viết văn, sức khỏe vẫn có ích nhưng không cần thiết.
Biết tổ chức đời sống thì dù đau vặt suốt đời một nhà văn cũng có
thể thành công. Voltaire (khi về già) và Proust quanh năm không ra
khỏi phòng bệnh mà cũng viết được, riêng Voltaire lại viết rất nhiều
nữa. Vả lại, như tôi đã nói, bệnh tật là tình cảnh thông thường của
nhà văn: trong văn học sử cổ kim, đã mấy người được thân hình
vạm vỡ như Balzac như Tolstoi?
Lại cũng không nhất định phải có thiên tài mới nổi danh. Thiên
tài là vật rất hiếm ở đời, cả một thế kỷ, mỗi nước may lắm được vài
ba người như Nguyễn Du, Nguyễn thị Điểm, Lý Bạch, Đỗ Phủ,
Hugo, Lamartine. Đến như bọn phàm nhân chúng mình thì không
thể hy vọng trời ban cho của hiếm ấy, vậy ta chỉ cầu có chút tài hoa
nho nhỏ để đủ bước vững trên văn đàn, và tự ta, ta phải có tấm lòng
yêu nghề, yêu mê say, tha thiết.
Yêu nghề? Đúng, tôi cho rằng đối với bọn “không sẵn tư trời” là
chúng mình thì yêu nghề là một điều kiện quan-trọng nhất.
Bạn bảo:
- Điều đó khỏi dặn mà, yêu nghề văn tự thì tôi đã thừa yêu!
- Vâng, nhưng tôi muốn biết bạn yêu nó ra sao? Bạn có thể, sau
khi làm việc suốt ngày ở sở trong khi vợ con mong đợi ở nhà, lại cứ
cắm cổ đạp xe đến nhà in để viết bài, rồi mãi tới khuya mới trở về,
rụt rè gõ cửa sợ làm mất giấc ngủ của những người thân? Hay bạn
có thể yêu văn mà sống như Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Triệu Luật,
Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, nghĩa là sống trong tòa soạn, trải