không phải là cả mười, được một người đàn bà khuyến khích, nâng
đỡ.
Phụ nữ hiểu văn thường kém, mà viết thường kém hơn nữa – tôi
chỉ nói “thường” thôi ạ - nhưng lại rất thích thi văn, mà làm biếng
không chịu viết, nên hay khuyến khích chúng ta viết cho họ đọc và
họ dễ có cảm tình với nhà văn nhất là nhà thơ.
Hồi đầu chiến tranh, Trần Huyền Trân vào Sài gòn chiếu phim
cho một hãng hát bóng ở Tân Định. Một hôm tôi lại thăm ông trong
một túp nhà lá đối diện với một chuồng ngựa, trong một ngõ hẻm
lầy lội ở Hòa-Hưng. Gia tài ông chỉ có mỗi một chiếc va ly nhỏ chứa
bản thảo, ít bộ quần áo và một cái hộp giấy đựng một chiếc khăn
thêu. Khăn bằng lụa Hà Đông, màu mỡ gà, rua chung quanh, giữa
thêu bằng chỉ đỏ một đoạn văn trong truyện ngắn của ông. Tôi ngắm
công trình mỹ thuật ấy, rồi quay lại hỏi:
- Những đêm đông nằm trong túp lều của ông trên mặt hồ, nhờ
chiếc khăn mỏng này, chắc ông cũng bớt lạnh đôi phần nhỉ?
Ông mỉm cười:
- Vâng.
Gần đây, tôi lại được thấy một chiếc khăn lụa khác thêu hai câu
thơ của Vũ Hoàng Chương viết thảo.
Một anh bạn thi sĩ bảo tôi:
- Chắc có nhiều những chiếc khăn như vậy lắm. Thi nhân nào mà
chẳng có một nàng tiên? Đọc tiểu sử của họ thì biết.
Nghe nói mươi mười lăm năm trước, một nữ sĩ mộ tài tới nỗi để
riêng một thư phòng trên lầu đón khách tao nhân ; còn một nữ sĩ
khác thì mến một văn sĩ nọ quá và mới gặp nhau lần đầu, đã dặn đi
dặn lại: “Bao giờ ông lên Sài gòn đừng quên tôi nhé. Ông cứ lại
thẳng nhà tôi. Nhà tôi chỉ có một mình tôi thôi”. Rồi sợ anh chàng
kia vẫn chưa hiểu, lại nói rõ thêm: “Tôi chưa có chồng, ông ạ”, làm
cho anh chàng đỏ mặt lên.