Tôi nghĩ thời nầy mà còn vậy thì ở cái thời Văn Đường, loại thơ
hương liêm
cực thịnh, lòng thi sĩ mới ấm làm sao chứ! Ôi, chúa
đa tình là cái nòi yêu văn!
*
Nếu không đứng về phương diện văn hóa mà chỉ xét hạnh phúc
của bạn gái thì tôi thấy phụ nữ nên giữ nhiệm vụ khuyến khích nghệ
thuật hơn là sáng tác nghệ phẩm. Có nhiều cách khuyến khích. Nếu
chồng là văn sĩ – tôi không cầu cho các chị em cái điều đó đâu – nếu
chồng là văn sĩ thì có thể, như bà A.Daudet, giúp chồng ý kiến ; hoặc
chép bản thảo giùm chồng như bà L. Tolstoi
. Nếu chồng không
phải là văn sĩ thì tìm hiểu văn nghệ, mỗi tháng để riêng một số tiền
mua sách, lựa tác phẩm có giá trị mà đọc, rồi giới thiệu với người
quen, dư nhiều tiền thì đặt một giải thưởng văn chương, hoặc mở
một nhà xuất bản mà không cần lợi vật chất ; như vậy đã ích cho
nước, mà thú vị biết bao!
Còn viết lách thì mệt lắm, mà nhiều khi bực mình nữa. Cho nên
tôi không đồng ý với nữ sĩ Hợp Phố khi bà nói như vầy với nữ sinh
trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ tho, trong một cuộc
triển lãm sách báo do trường tổ chức:
- Các em thấy không? trong giới văn nghệ, chị em chúng mình
chiếm một địa vị khiêm tốn quá. Các em sau nầy rán lên nhé?
Rán mà làm chi? “Sáng tác” những em nhỏ mụ mẫm, hồng hào,
mắt đen lánh, miệng tươi như hoa, rồi trong khi em ngủ, đọc tiểu
thuyết, chẳng thú hơn là bước vào cái nghề kỳ cục, bạc bẽo là nghề
viết văn, vò đầu nặn óc để “đẻ” ra những trang mà chỉ sáu tháng
sau, đọc là muốn xé vụn, liệng hết vào giỏ rác ư? Rõ là một lời xui
dại!