Trái lại với Goncourt, hai anh bạn thi sĩ chỉ cho tôi một phương
pháp khác: muốn tập viết văn thì trước hãy tập làm thơ.
Tại sao lại tập làm thơ rồi mới tập viết văn? Theo hai anh ấy thì
tập làm thơ trước là để tập chú trọng đến nhạc trong văn, đến đức
gọn, tinh xác và hàm súc tức như để quen với công việc sửa chữa,
thôi sao. Lời đó có lý.
Viết văn xuôi, ta được tự do hơn làm thơ, nên có thói phóng bút,
viết mau, mà viết mau thì văn có thể tươi sáng, song lời thường
thừa, ý thường loãng. Làm thơ, bị vần, niêm luật, số chữ, số câu
khiên chế, ta bó buộc phải tìm nhiều cách để phô diễn một ý, ta phải
lựa những tiếng xác đáng, du dương, rồi đảo lên đảo xuống, thay
đổi, cân nhắc: sự câu thúc đó sẽ đưa ta đến nghệ thuật.
Phương pháp của hai bạn thi sĩ đó tất phải có kết quả. Tuy nhiên,
tôi e nó không phải một phương pháp chung, thích hợp với mọi
người: những bạn nào không có khiếu về thơ mà theo cách ấy có thể
mau thất vọng; vả lại văn vần và văn xuôi có những quy tắc khác
nhau xa cho nên Tăng Củng ở Trung Quốc viết cổ văn rất hay
mà làm thơ không được, còn ở Việt Nam, Tản Đà thơ bất hủ mà văn
xuôi thì kém.
Tóm lại, theo tôi thì trừ khi là một người có khiếu về thơ, ta mới
đầu cứ thích cái gì viết cái đó, như vậy có dịp dò dẫm, tìm con
đường đi, thử qua mọi loại để sau cùng lựa loại nào thích hợp với
mình. Về điểm này, Jesse Stuart cũng bảo: “Thích cái gì cứ viết cái
đó, rồi người khác sẽ thích”.
*
Nếu bạn không thích làm thơ mà muốn tập tự câu thúc mình
trong khi viết thì tôi xin chỉ bạn một cách khác là dịch các danh
phẩm ngoại quốc.
Sau khi viết ký ức và nhật ký như trên đã kể, tôi bỏ ra hai năm
dịch pháp văn và hoa văn. Tôi dịch lung tung, ít trang của A.France.
J.J Rousseau, V. Hugo, một chương trong cuốn Một nghệ thuật sống