CHƯƠNG III
VẤN-ĐỀ NGUYÊN TẮC
Tư-tưởng luôn-luôn là cứu cánh của nhà văn.
ALAIN
Mới từ khoảng mười lăm năm nay, một số nhà văn của ta đứng
lên hô hào đặt vấn-đề nguyên tắc cho văn học. Trước hết có lẽ là
Đặng Thai Mai trong cuốn Văn học khái luận, rồi tới Triều Sơn trong
cuốn Con đường văn nghệ mới, gần đây thêm tác giả cuốn Văn nghệ
nhân dân là Hoàng Công Khanh. Đó là chỉ kể những bài tùy bút in
thành sách, còn những bài dài, ngắn đăng trên báo thì không sao ghi
đủ được.
Xét chung, hết thảy các nhà văn đó đều có thiện ý vạch một con
đường mới cho nghệ sĩ và con đường ấy rất chính đáng. Chỉ tiếc có
người, hoặc vì hăng hái quá mà hóa thiên kiến, hoặc vì ý ít mà muốn
kéo cho dài, nên lý-luận có chỗ hở, hay mâu thuẫn. Phê-bình kỹ ba
cuốn kể trên, ít nhất cũng mất năm, sáu chục trang, công-việc đó tôi
chưa có ý làm ở đây; chỉ xin vạch vài điểm không xác đáng để chứng
thực lời tôi mới nói.
Chẳng hạn, Triều Sơn, trong cuốn đã dẫn, bảo phải đại chúng hóa
văn nghệ:
Đại chúng hóa làm sao cho văn nghệ-phẩm không những dễ hiểu, dễ cảm
đối với đại chúng mà nội dung của văn-nghệ-phẩm cũng thích hợp với
tinh-thần đại-chúng. Ở đây vấn đề không phải chỉ ở hình-thức của văn-
nghệ-phẩm (tức là kỹ-thuât của văn-nghệ sĩ) mà còn là – và trước hết là - ở
phần chất văn nghệ phần tinh thần của văn-nghệ-phẩm, phần ý thức hệ
chứa đựng, tiềm tàng trong văn-nghệ-phẩm.
“Thí dụ: Đại chúng đang hăng hái đi tới, văn chương đại-chúng-hóa
phải có tinh thần tiến bộ, tính chất tiền phong trước hết, lại phải giản dị, dễ
cảm, dễ lôi cuốn, thúc đẩy đại chúng tiến tới mạnh mẽ thêm”