chương thành nhu cầu của mọi người, nhà văn không viết cho một
số người nữa – trừ một vài trường hợp riêng – mà viết cho quảng đại
quần chúng, thành thử văn phải sáng sủa, bình dị, tự nhiên.
Văn thời nầy cũng phải thành thực.
Trong hậu bán thế kỷ 19, trước những cảnh bất công mà hạng cần
lao phải chịu, trước những chiến đấu mãnh liệt của kẻ yếu để đòi
cho được một chỗ đứng dưới mặt trời, các nghệ sĩ thấy lòng mình
rung động những cảm xúc mới, đã hăng hái xây dựng một lối văn
mới: lối tả chân (cũng gọi là hiện thực).
Xã hội hàng ngày đầy những chuyện ly kì, làm ta sa lệ hoặc bật
cười thì cần chi phải tìm đề tài ở thời cổ hoặc trong tưởng tượng
nữa, cứ nhận xét ở chung quanh ta với lòng thông cảm, rồi ghi chép
lại cho đúng là tìm được con đường sẽ tới của nhân loại và làm cảm
động được người đọc, hướng dẫn được quần chúng.
Lối văn tả chân ấy cần đức thành thực hơn cả.
Renan nói rất đúng: “Sự thành công trong nghệ thuật hùng biện hay
văn chương chỉ có mỗi một nguyên nhân là sự thành thực hoàn toàn”.
Một văn sĩ Mỹ hiện đại khuyên ta: “Bạn viết cái gì thì cái đó phải
diễn những quyết tín chân thành nhất của bạn, nếu không văn bạn không
có hy vọng sống.”
A Gide, mạnh mẽ hơn, quả quyết:
“Cái điều khó nhất khi người ta đã bắt đầu viết, là thành thực (…) Hoàn
toàn thành thực.”
Xin bạn đừng vội hiểu lầm: tôi không khuyên bạn không được
tưởng tượng đâu; tưởng tượng vẫn cần cho văn chương, nhưng bạn
phải thành thực cả trong khi tưởng tượng, nghĩa là dùng sự thực để
tưởng tượng rồi để lòng rung động như trước một sự thực, có vậy
bạn mới quyến dũ được độc giả.
Sau hết, về nội dung tôi tưởng nhà văn thời nào cũng phải phụng
sự cái Chân, cái Mỹ, cái Thiện. Có nhiều cách phụng sự ba lý tưởng