ấy, song nếu chịu nhận xét ở xung quanh và suy nghĩ, thì ta thấy
ngay rằng nhiệm vụ đầu tiên của nhà văn lúc nầy là vạch những đau
khổ của nhân loại, những bất công trong xã hội, bênh vực kẻ yếu, an
ủi kẻ nghèo và tìm cách xây dựng một tương lai rực rỡ mà mọi
người hiểu nhau, hợp tác với nhau, không ai thù oán nhau, tranh
giành, bóc lột nhau.
Quảng đại quần chúng là những kẻ yếu, nghèo, phải chịu nhiều
bất công, nên nhiều nhà văn hô hào tranh đấu cho quảng đại quần
chúng, điều ấy có chi lạ? Nhiệm vụ phụng sự nhân dân ấy tuy lớn
thật, nhưng ta cứ tùy tài lực của ta, làm được phần nào thì làm, miễn
là luôn luôn cố gắng và đừng bao giờ quên trọng trách.
Trong một bài đăng trên tuần báo Thanh nghị, Đinh Gia Trinh viết:
“Nhà văn, nhà thơ viết một tác phẩm là ném vào đời những tư tưởng,
những tính tình, những rung động. Trong cái bể người, những tư tưởng
đó sẽ truyền lan đi, gặp sự tán thành của một số tâm hồn xa lạ; những tính
tình, những rung động diễn tả trong thi ca (…) cũng sẽ làm thức tỉnh dậy
ở lòng người những tính tình tương tự.”
Những tính tình đó đã thức tỉnh, tất gây ra những hoạt động để
lại một cái quả về sau, cái quả đó lại làm nhân cho những quả khác,
như vậy cho tới vô cùng. Trong khi hành động, trong khi viết, ta ít
khi nghĩ đến cái quả của công việc ta lắm, và ảnh hưởng của nó có
thể rất lớn mà ta không ngờ. Đó không phải là lý thuyết đâu, thưa
bạn. Đó là sự thực.
Thì đây, Hồ Thích trong một thiên tùy bút nhan đề là: “Cái bất hủ
của xã hội”, kể chuyện suốt đời ông chịu ảnh hưởng lời sau nầy của
Phạm Trẩn, một tác giả Trung Hoa sống trước ông một ngàn sáu
trăm năm: “Thần đối với hình như sự sắc bén đối với con dao; chưa
nghe nói dao mất mà sắc bén còn, há hình mất mà thần còn được?”
Ảnh hưởng của văn sâu xa như vậy nên tôi nghĩ trách nhiệm của
nhà văn đáng sợ và không có nhà nào dám quả quyết rằng lương
tâm hoàn toàn trắng tội và tôi không hiểu làm sao lại có những kẻ