CHƯƠNG IV
TÌM Ý
Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của nhà văn là tìm ý. Tìm
cách nào? Tôi xin lấy một thí dụ cụ thể cho dễ hiểu.
Chẳng hạn chúng ta muốn viết một cuốn sách về nông nghiệp ở
nước nhà. Bạn cũng như tôi, chúng ta chưa biết chút gì về vấn đề ấy
vì chúng ta không làm ruộng, cũng không phải là nhân viên sở Canh
nông. Cứ ngồi trong phòng mà nghĩ thì may lắm viết nổi mười
trang, mà dám chắc không được trang nào có giá trị.
Nhưng nếu ta về đồng ruộng, xem xét công việc cấy cầy ở mỗi
nơi, ghi các đặc điểm của mỗi giống lúa, của mỗi thứ đất, rồi nghiên
cứu về phân bón, nông cụ, sức sản xuất, cách đề phòng các thiên tai,
trừ các loài làm hại lúa, về việc trữ lúa, bán lúa…; nếu ta lại đọc các
sách, báo về nghề nông ở nước mình và nước người, vừa đọc vừa so
sánh, suy nghĩ, tìm những nguyên nhân về sự lạc hậu của nông
nghiệp nước nhà cùng những giải pháp để cải thiện nó; sau cùng
nếu ta lại đích thân thí nghiệm những cải cách đó, chép những kết
quả; tóm lại, nếu ta chịu làm ba công việc nầy: nhận xét, đọc sách và
suy xét thì ta không thiếu ý nữa mà có thể viết được một, hai cuốn
sách đầy những tài liệu quý giá, những ý kiến mới mẻ.
Trái lại, về một vấn đề dù quen thuộc với ta, như đời sống của
học sinh chẳng hạn, nếu không chịu làm ba công việc kể trên, thì ta
cũng chẳng viết được gì đặc sắc, ngoài những điều mà mọi người
đều biết.
Vậy có tài liệu rồi mới có ý, mà tài liệu ở trong đời sống chung
quanh ta và trong sách. “Bỏ qua giai đoạn đầu tiên, cần thiết cho mọi
người cầm bút là tìm tài liệu thì bất kỳ vấn đề nào đối với ta cũng sẽ
lớn quá, ngoài sức của ta”.