CHƯƠNG I
VIẾT VĂN LÀ MỘT NGHỀ
Viết một cuốn sách là làm một nghề cũng như chế tạo một cái đồng hồ.
LA BRUYÈRE
Một anh bạn tôi, thấy tôi viết cuốn nầy, mỉm cười hỏi:
- Viết văn mà cũng là một nghề ư?
Tôi cũng mỉm cười, đáp:
- Anh chưa nói hết ý, song tôi đã đoán được. Có phải anh cho viết
là truyền bá tư tưởng, giải bầy nỗi lòng của mình; nếu viết văn là
một nghề chẳng hoá ra nghĩ đến việc đem bán cái tâm tư là đáng
quý nhất trong con người để cầu sự ấm no cho xác thể?... Nếu quả
anh nghĩ vậy thì tôi xin hỏi lại anh: dạy học như anh bây giờ và tôi
hồi trước cũng là đem bán những hiểu biết, tư tưởng – cả lòng yêu
trẻ nữa – để lấy một số lương, vậy thì tại sao dạy học anh nhận là
một nghề mà viết văn thì anh lại không chịu nhận?
Anh bạn tôi đó không phải là người độc nhất nghĩ lầm như vậy
đâu. Trong xã hội chúng ta hiện nay, mười người chắc có sáu bảy
người còn giữ cái thiên kiến ấy. Họ cho viết văn không phải là một
nghề vì nghề đó còn mới mẻ ở nước ta quá: từ cuối thế kỷ 19 trở về
trước, ông cha ta tuyệt nhiên không hề nghe nói đến nghề viết văn
và nghề nầy chỉ xuất hiện vào hồi mà Nguyễn văn Vĩnh, Tản Đà,
Phạm Quỳnh bắt đầu sinh nhai bằng ngòi bút viết báo.
Thời xưa, các cụ ta làm thơ, làm phú, viết truyện ngắn, truyện dài,
soạn Sử ký, Địa lý…, đều là để tiêu khiển hoặc giúp đời, cầu danh,
chứ không khi nào nghĩ tới tiền. Viết xong một tác phẩm, các cụ
chép tay lại, gởi cho bạn bè đọc. Con cháu hoặc môn sinh thấy sách
hay, góp nhau, kẻ vài quan, người dăm tiền, thuê thợ khắc lên gỗ
quý. Thợ khắc xong, các cụ cho in ít chục, ít trăm bản gởi tặng bè
bạn, bà con. Người lạ muốn có một bản thì cứ mang giấy mực lại,