Hại thứ nhì là do cái nạn ai in lại cũng được, ai sửa chữa cũng
được, không cần cho tác giả hay, mà có nhiều tác phẩm vừa mới ra
đời được vài chục năm đã sai hẳn nguyên văn; khiến cho hậu thế
muốn nghiên cứu về xã hội thời đó, đành phải lúng túng, không biết
căn cứ vào đâu, dẫu tốn rất nhiều công phu cũng khó tìm ra được sự
thực.
Những hại đó, người phương Tây sớm tránh được, nhờ họ sớm
nhận viết văn là một nghề.
Thế kỷ 17 tại Pháp, La Fontaine bán cuốn Psyché cho nhà xuất
bản Barbin lấy hai trăm đồng tiền vàng, Molière bán kịch Tartuffe
cho nhà xuất bản Ribou được hai ngàn quan. Từ đó về sau, các đại
văn hào như Diderot, Balzac, Vigny, Lamartine, Hugo… đã chẳng
lấy sự bán văn làm ngượng mà còn kịch liệt tranh giành mọi quyền
lợi cho người cầm bút. Tới năm 1886, hơn bốn chục nước đã ký
chung một hiệp ước ở Berne (Kinh đô Thuỵ sĩ) để che chở văn nhân
và quy định rõ ràng quyền tác giả.
Vậy khắp thế giới đã công nhận viết văn là một nghề và chúng ta
cũng đừng ngạc nhiên khi thấy những cuốn sách dạy cách viết văn
để bán lấy tiền, như:
- Writing for love or for money (Viết vì thích hoặc vì tiền) – Nhà xuất
bản Norman Cousins.
- Writing and selling (Viết và bán) của Pa erson.
Một văn sĩ Mỹ đã nói: “Một nhà văn có tài phải là một người có
tài bán tác phẩm”. Một quan niệm như vậy có kẻ cho là không cao
thượng nhưng quả là thực tế: nó có thể giúp một số nhà văn đỡ đói
rét để kiên nhẫn theo đuổi nghệ thuật, và trước hết nó giúp cho độc
giả có sách để đọc vì một tác phẩm mà không bán được, không in
được thì chưa phải là một tác phẩm.
Cái nghề đó thật là “kỳ cục” đúng như thi hào P. Valéry đã nói.
Làm nghề hớt tóc, bạn phải sắm ít nhất một cái tông-đơ, hai con
dao cạo, một cái gương, vài cái lược, rồi khăn lau, khăn quàng, dầu