bởi cuộc đời và quan điểm của một người sống cùng thời với Ngài -
Mahavira - người sáng lập đạo Jain, và bởi nhiều người khác nữa, những
người đã quay lưng với cuộc đời trần thế để tìm tới một thế giới khác thông
qua hình thức tu hành khổ hạnh. Cuối cùng, sau thời kỳ rối ren này, chúng
ta có thể tìm thấy một thời kỳ lớn mạnh đã được ghi lại trong kinh Vệ Đà.
Và như vậy, chúng ta đã nhận diện được xã hội tiền đề của xã hội Ấn giáo,
ta hãy gọi nó là xã hội Ấn Độ cổ. Ngôi nhà nguyên thủy của xã hội Ấn Độ
nằm trong các thung lũng Indus và thượng lưu sông Ganges, rồi từ đó bành
trướng ra khắp tiểu lục địa. Vị trí địa lý của nó sau đó gần như đồng nhất
với xã hội hậu duệ sau này.
Xã hội Trung Quốc cổ đại. Chỉ còn lại một xã hội hiện đang tồn tại
nữa cần phải nghiên cứu, vốn có quê hương ở miền Viễn Đông. Chính
quyền trung ương của xã hội này là một đế chế, được thành lập vào năm
221 trước CN, với các triều đại thừa kế là nhà Tần và nhà Hán. Tôn giáo
chung là phái Đại thừa, một biến thể của Phật giáo đã du nhập vào vương
triều Hán và trở thành người nuôi dưỡng xã hội phương Đông hiện nay. Sau
khi chính quyền trung ương sụp đổ, thời kỳ Völkerwanderung gây ra bởi
các bộ lạc du mục ở thảo nguyên Á-Âu, những kẻ đã xâm lược lãnh thổ của
vương triều Hán vào khoảng năm 300, mặc dù bản thân vương triều Hán
thực ra đã nhường chỗ cho một thời kỳ quá độ từ hơn 100 năm trước.
Khi chuyển sang khảo sát các tiền đề của vương triều Hán, chúng ta
thấy dấu hiệu rõ ràng của một thời kỳ loạn lạc, lịch sử Trung Quốc gọi là
thời Chiến Quốc, kéo dài hai thế kỷ rưỡi sau cái chết của Khổng Phu Tử
vào năm 479 trước CN. Hai dấu hiệu của thời kỳ này, đó là đường lối chính
trị tự sát và xuất hiện một tầng lớp trí thức hướng về triết lý thực tế. Nó
nhắc chúng ta nhớ đến một thời kỳ trong lịch sử Hy Lạp cổ giữa thời Zeno
- người thành lập chủ nghĩa Khắc kỷ - và trận chiến Actium, giai đoạn này
đã chấm dứt thời kỳ loạn lạc trong lịch sử Hy Lạp cổ. Hơn nữa, trong
trường hợp này, những thế kỷ cuối của thời kỳ loạn lạc chỉ là đỉnh điểm của
một sự phá hoại tổ chức đã diễn ra từ trước đó. Ngọn lửa của chủ nghĩa
quân phiệt đã bùng lên từ trước thời của Khổng Tử và vẫn cháy khi ông