định ra tiêu chuẩn của người quân tử là “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Sự thông
thái thế tục của vị triết gia này và một ẩn sĩ nổi tiếng thế giới khác cùng
thời với ông - Lão Tử - là những bằng chứng cho thấy cả hai ông đều nhận
ra rằng, thời hoàng kim đã ở sau lưng xã hội mà họ đang sống. Chúng ta sẽ
đặt tên gì cho cái xã hội mà Khổng Tử vẫn hoài niệm với lòng tôn kính, còn
Lão Tử thì quay lưng lại như Cơ Đốc giáo rời khỏi thành phố Chết? Có lẽ
ta nên gọi nó là xã hội Trung Quốc cổ đại.
Tông phái Đại thừa - thứ tôn giáo chung mà thông qua nó xã hội
Trung Quốc cổ đại sinh ra xã hội Viễn Đông ngày nay - tương tự như Giáo
hội Cơ Đốc giáo và khác với Hồi giáo và Ấn Độ giáo, bởi mầm mống của
nó không nằm bên trong xã hội của nó mà đến từ nơi khác. Đại thừa bắt
nguồn từ lãnh thổ xã hội Ấn Độ cổ và là sản phẩm của các vị vua Hy Lạp
của Bactria và những người thừa kế “bán Hy Lạp” của họ, người Kushan.
Chắc chắn rằng nó đã cắm rễ trong các vùng lãnh thổ của người Kushan ở
thung lũng Tarim, nơi người Kushan đã kế thừa vương triều Tiền Hán,
trước khi những lãnh thổ này bị tái chinh phạt và thôn tính bởi vương triều
Hậu Hán. Thông qua cánh cửa này, Đại thừa đã thâm nhập vào xã hội
Trung Quốc cổ đại và sau đó được giai cấp bị trị của xã hội này chấp nhận
do nhu cầu của riêng nó.
Ngôi nhà nguyên thủy của xã hội Trung Quốc cổ đại là lưu vực sông
Hoàng Hà, từ đó nó bành trướng tới lưu vực sông Dương Tử. Lưu vực của
cả hai con sông này đều nằm trong khu vực ngôi nhà nguyên thủy của xã
hội phương Đông, vốn bành trướng theo hướng tây nam dọc theo bờ biển
Trung Hoa và cả hướng đông bắc tới Triều Tiên và Nhật Bản.
“Di tích”. Những gì từ trước đến giờ chúng ta thu nhặt được từ những
tàn tích tìm thấy trong các xã hội đang tồn tại, và cho rằng chúng thuộc về
một xã hội đã lụi làn, thì đó gọi là “di tích”. Do Thái giáo và giáo phái
Parsee là những di tích của xã hội Syria cổ trước cuộc thâm nhập xã hội Hy
Lạp cổ vào thế giới Syria. Cơ Đốc giáo Monophysite và Nestoria là di tích
hình thành từ sự phản ứng của xã hội Syria trước cuộc thâm nhập của nền
văn minh Hy Lạp cổ, kế thừa và thế chỗ những cuộc phản kháng chống lại