CHƯƠNG
IX
Cảnh Bồng Lai trên cõi thế – Món triết lý của
người đàn bà ngoại tình – Gương “bán xử nữ”
(1)
Về phía tây thành Hà Nội có một cái hồ mà người ta đã chịu khó
ngăn đôi ra bằng một con đường để cho nó thành ra hai cái hồ. Con đường
ấy là con đường Cổ Ngư, nổi tiếng khắp xứ; trong hai mươi triệu đồng bào
không còn ai là không biết, vì những thiếu nữ hoặc khuê các hoặc không,
cùng những ông sinh viên trường cao đẳng hoặc trường luật học, sinh viên
không trường nào cả,
(2)
thường đêm đêm đem nhau lên đó để làm nũng với
nhau, để mạt sát chế độ gia đình của nhau, để kể tội bố mẹ của nhau, độ vài
tháng, để rồi sau cùng thì rủ nhau nhảy xuống hai cái hồ ở đấy.
Thoạt đầu người ta hay nhảy xuống Hồ Tây, nhưng vì Hồ Tây sâu
lắm; những kẻ tự tử chẳng may phần nhiều không mấy ai là thoát chết cả,
thành thử người ta bảo nhau nhảy xuống cái bên cạnh là hồ Trúc Bạch, nông
hơn. Vì lẽ nhà nước cũng khôn, đã cho trồng mấy cái bảng lớn “Cấm ngặt
đổ rác xuống Hồ Tây” nên hồ Trúc Bạch lại càng đắt khách. Ðêm đêm,
những bác phu xe ế khách, những kẻ trai tráng biết bơi mà thất nghiệp,
thường lên chờ ở đấy để hễ nghe thấy những tiếng kêu thảm thương ai oán:
“Ai cứu tôi với!...” là nhảy ùm xuống, là vớt ngay được một tiểu thư đẹp
nõn lên, rồi đến bóp Hàng Ðậu lĩnh tiền thưởng, và sau cùng, thấy ảnh mình
đăng trên các báo kèm với những cuộc phỏng vấn ỏm tỏi.
(3)
Vì những lẽ ấy,
hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà trở nên một cách oanh liệt là một sân khấu
của tất cả những tấn đại thảm kịch của những cảnh địa ngục giữa Hà Thành
là những gia đình Việt Nam, những trở lực tai hại cho những cuộc tự do kết
hôn, tự do ly hôn, tự do cải giá, tự do tục huyền. Hồ Trúc Bạch cứ là một thứ