(2006), bởi Nxb. Kim Đồng (2006, 2007), bởi Nxb. Đại học Sư phạm
(2008), bởi Nxb. Dân trí (2011), bởi Nxb. Hồng Đức (2012)…
Thống kê căn cứ vào dữ liệu sách lưu chiểu kể trên chưa thể được
coi là chính xác. Một người chơi sách cũ là nhà báo Yên Ba ở Hà Nội cho
biết: anh đã sưu tầm được 55 bản in khác nhau của tiểu thuyết Số đỏ.
Ngoài loại hình sách in giấy ra, gần đây cũng đã thấy những văn bản
Số đỏ trên các trang mạng internet, số lượng các bản là khá nhiều, có chỗ
đầy đủ 20 chương truyện, có chỗ chỉ gồm một số chương trích, song các bản
đánh máy thường có chất lượng thấp, khá nhiều lỗi.
Tuy vậy, về mặt văn bản, theo cảm nhận sơ bộ của tôi, các bản in hoặc
bản số hóa Số đỏ từ năm 1988 trở lại đây đều sử dụng văn bản Số đỏ của nhà
xuất bản Văn học in trong tập 3 của Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1987) hoặc
in thành sách lẻ ngay cuối 1987 đầu 1988. Thế cũng tức là, rốt cuộc, hầu hết
các bản Số đỏ lưu hành hiện nay đều lấy nguồn từ văn bản Số đỏ do nhà xuất
bản Mai Lĩnh in 1958 ở Sài Gòn, vốn xuất xứ từ bản Số đỏ do nhà Mai Lĩnh
in 1952 ở Hà Nội.
Như vậy, có thể nói, trong hai nhánh văn bản Số đỏ lưu hành kể từ sau
khi tác giả Vũ Trọng Phụng qua đời, nhánh Mai Lĩnh tỏ ra có độ phổ biến
rất cao, hầu như áp đảo so với nhánh duy nhất đã từng có, – nhánh Minh
Đức.
Tuy nhiên, không thể nói rằng văn bản có độ phổ biến cao hơn là văn
bản “tốt” hơn văn bản còn lại. Ta vẫn chưa có những nghiên cứu so sánh
trên văn bản cụ thể để thấy được thực chất sự việc.
Hãy tạm lưu ý đến một sự việc sau đây. Năm 1956, nhà xuất bản Văn
nghệ (của Hội Văn nghệ Việt Nam) ở Hà Nội chuẩn bị in tiểu thuyết Giông
tố; do chỗ đi tìm “bản in trước cách mạng” mà không thấy, những người chủ
trương nhà xuất bản Văn nghệ hồi ấy (trong đó có nhà văn Nguyên Hồng)
đành tạm dùng bản Mai Lĩnh 1951 nhưng không quên lưu ý độc giả rằng: