3/ Khác biệt giữa hai bản Minh Đức
Sự đối chiếu so sánh cụ thể cho thấy, bản Minh Đức 1957 (bản
E) tuy in theo bản Minh Đức 1946 (bản C), song đã không thể lặp lại chuẩn
xác mọi câu chữ có ở bản in trước.
Đây là hiện tượng rất thông thường ở lối in typo kiểu cũ, các khuôn
chữ thuộc một cuốn sách đã in xong, thường được phá khuôn, tháo các con
chữ rời trả về các kho chữ để dùng sắp chữ lên khuôn cho những cuốn sách
khác. Chỉ đôi ba trường hợp riêng biệt, các bộ khuôn in một cuốn sách mới
được giữ lại cho đến lúc in thêm một lần nữa.
Hai lần in Số đỏ của nhà Minh Đức cách nhau 11 năm, nhưng là qua
một cuộc chiến tranh, với khá nhiều thay đổi, cả về các điều kiện công nghệ
lẫn xã hội.
Thể thức xin giấy phép tái bản ở miền Bắc năm 1957 có lẽ không
khác thủ tục này những năm 1970 về sau (mà người đang viết những dòng
này được trải nghiệm với tư cách một người làm việc khá nhiều năm trong
nghề xuất bản), theo đó, nhà xuất bản chỉ cần làm tóm tắt nội dung tác phẩm
trong đơn xin phép, không cần nộp bản thảo, cũng không cần nộp bản rập
trước khi in; điều nhất thiết phải làm nữa là sau khi in đóng xén sách xong
phải nộp lưu chiểu một số bản sách theo quy định, đợi một thời gian (chừng
1 tuần lễ) không thấy cơ quan quản lý nhắc nhở gì mới được chính thức phát
hành.
Sự so sánh trên văn bản cho thấy, bản Minh Đức 1957 đã được sắp
chữ từ bản Minh Đức 1946, tuy ngoài văn bản Số đỏ, bản in lần hai còn có
thêm một số trang tư liệu, ảnh bút tích và chân dung tác giả, tư liệu về việc
nhà xuất bản cùng một số nhà văn quyên góp xây lại ngôi mộ tác giả Số đỏ
(khi đó vẫn đặt tại nghĩa trang Quảng Thiện). Những khác biệt giữa bản
Minh Đức 1957 (bản E) so với bản Minh Đức 1946 (bản C) thường chỉ là
một từ trong một câu, đại loại thế này:
1/