“Thế là Wanas được đi Anh học! Vui quá. Bác chủ tịch xã biết chưa?”
“Biết rồi. Hôm qua, khi người ta biết kết quả đã vội đến khoa em định
báo cho biết nhưng không gặp, nên hôm nay phải sang bảo ngay đây!”
“Chúc mừng nhé. Thế bao giờ đi?”
“Không biết. Chắc phải đi trình diện rồi mới biết được, nhưng chắc
không quá hai tháng nữa, chậm nhất là ba tháng.”
“Thế thì cho ăn hai con tôm cũng được!”
“Đãi tiễn người ta đi nước ngoài mà cho ăn mỗi hai con tôm!”
“Đây không phải đãi chia tay mà là đãi chúc mừng. Tiễn phải sau, hay là
không ăn?”
“Ớ, ăn chứ. Mất công nhặt sầu đâu cho thế này, cớ gì mà lại không ăn.”
“Thế lên nhà thôi.”
Angsumalin dẫn trước, nói chuyện luôn miệng suốt dọc đường. Người đi
sau ngắm cô gái bé nhỏ, cảm giác lưu luyến lạ lùng tràn ngập trong lòng
cậu. Wanas và Angsumalin là bạn chơi cùng nhau từ thuở nhỏ. Cho dù cậu
hơn cô hai tuổi, học trên hai lớp nhưng vì khi chơi cùng nhau, lúc nào cậu
cũng nhường nhịn cô nên đối với cô bé Angsumalin, Wanas đã trở thành
cái tên nơi cửa miệng. Còn ông Nun, chủ tịch xã, bố của Wanas cũng là chỗ
thân thiết với gia đình ba mẹ con bà cháu cô từ lâu. Có việc gì giúp được họ
ông Nun đều giúp đỡ hết lòng và bằng mọi cách. Khi cam chín, ông dẫn
thương lái đến ngã giá mua buôn cả vườn; lúc thiếu nhân công, cũng lại
chính ông cử người sang giúp mà không tính công sá gì.
Wanas vào học đại học khoa Kỹ thuật trước Angsumalin vào học khoa
Ngữ văn hai năm. Việc Wanas sáng sáng đều đi thuyền từ nhà mình qua
đón cô cùng sang sông rồi lên xe đi đến trường trở thành chuyện đồn đại
khắp nơi. Chàng trai không khẳng định cũng chẳng phủ nhận, còn
Angsumalin thì không để tâm, chỉ coi trọng việc hai người đã quen biết,
chơi thân từ lâu. Bởi vậy, không có ai biết chuyện đồn đại ấy thực hư ra
sao.