NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU
Tôi tưởng lúc này chỉ có mỗi một khán giả đồng thời là người ngợi khen
duy nhất là cụ già làm vườn. Không ngờ lúc ấy, quan tể tướng tình cờ đi dạo
trong vườn, nghe giọng tôi hát cùng tiếng nhạc dặt dìu, lặng lẽ tiến đến gần.
Ông đứng lắng nghe. Khi tôi ngừng đàn, ông xuất hiện và bắt chuyện. Trông
thấy ông, tôi đứng lên và kính cẩn đi ra xa. Ông bảo:
- Chú kia, hãy đứng lại, tại sao chú tránh mặt ta?
- Bẩm cụ lớn, tôi không dám ở lại vì tự thấy mình không được phép được
trước mặt các vị quyền quý như ngài.
- Không sao, chú trai à, chú cho ta biết chú là ai? – Tể tướng hỏi.
Tôi chưa đáp ngay, vì không biết nên trả lời thế nào, thì cụ làm vườn đã
nói đỡ:
- Bẩm cụ lớn, cháu là chú bé con giúp việc cho già, chú làm vườn khá
lắm, và già lấy làm may kiếm được một người như chú ấy để đỡ đần.
Tể tướng bảo tôi hát thêm vài bài nữa. Tôi vừa hát vừa đệm đàn thật điệu
nghệ khiến vị đại thần có vẻ rất thú vị. Ông thốt lên:
- Tất cả các nhạc công của đức vua ta cộng lại cũng không bằng chàng trai
này.
Nói xong ông tiến đến gần tôi hơn, chăm chú nhìn lên đầu rồi hỏi:
- Nhưng đầu chú mày làm sao thế, hình như chú mày bị bệnh chốc đầu?
- Bẩm cụ lớn, thật đáng tiếc, – người làm vườn lại nói đỡ – đúng là chú bé
khốn khổ ấy mắc phải bệnh chốc đầu.
- Thật đáng tiếc, – tể tướng nói – không bị chứng bệnh hay lây lan và khó
coi ấy, ta có thể cho chú mày ra khỏi địa vị tối tăm. Ta muốn có chú bên
cạnh để thỉnh thoảng giải trí cho ta. Ta có thể làm cho chú trở thành giàu có,
đáng tiếc là chú bị chốc đầu.
Nói xong, vị tể tướng bỏ đi. Sáng hôm sau, vào buổi chầu, ông tâu với nhà
vua:
- Tâu bệ hạ, ngài chưa rõ trong vườn bệ hạ có cả một kho báu.
Và tể tướng kể cho nhà vua nghe câu chuyện xảy ra chiều hôm trước.
Nghe trình, nhà vua ngỏ ý tự mình cũng muốn nghe tôi chơi nhạc và hát.
Vua nói:
- Chiều hôm nay ta sẽ ra vườn ngự uyển xem chú chốc đầu ấy đàn hát.
Hãy truyền cho các nhạc công trong nội phủ được biết để chuẩn bị một buổi
hoà nhạc ngoài vườn! Nhớ sai mang bày sẵn thức ăn nhẹ ở vườn luôn.