Ngược chiều gió heo may, đoàn quân Ngô Quyền, người người
lớp lớp vượt đèo Ba Dội. Bấy giờ là tháng Mười Một (938) đang tiết
mưa dầm.
Mưa dầm, gió bấc, đường trơn không cản nổi đoàn quân tiến ra
Bắc trị tội tên phản bội. Quân Nam Hán còn đang ngấp nghé ngoài
bờ cõi thì đầu tên phản bội Kiều Công Tiễn đã bị bêu ở ngoài cửa
thành Đại La (Hà Nội).
Ngô Quyền vào thành, họp các tướng tá, bàn rằng: “Hoằng
Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại
nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không còn người làm nội
ứ
ng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi
mệt, tất phá được. Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không
phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai
người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt
sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong
hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy
cả”. Chư tướng đều phục kế sách ấy là tuyệt vời.
Bạch Đằng ngày ấy vẫn mang “tên nôm” giản dị: Sông Rừng!
Con ơi nhớ lấy lời cha
Gió to sóng cả chớ qua sông Rừng.
Sông Rừng thường có sóng bạc đầu, vì vậy mới có thêm một “tên
chữ”: Bạch Đằng Giang. Gọi là sông Rừng vì hai bên bờ sông, nhất
là phía tả ngạn, toàn là rừng rậm. Phà Rừng, Chợ Rừng, những tên
này đều do đó mà ra.
Hàng ngàn hàng vạn quân dân được huy động vào rừng chặt lim,
chặt táu. Dân “sơn tràng” vốn từ lâu quen với rìu với cưa nay được
dịp đem nghề nghiệp khiêm tốn của mình góp phần cứu nước. Gỗ