thu hoạch đủ ăn trong hai tháng. Song, nếu cấy lúa thì không có thì
giờ săn bắt để kiếm thịt ăn. Báo Luông bàn với vợ chia công việc
trong nhà: một nhóm do con cả đứng đầu chuyên đi săn bắt, một
nhóm do Báo Luông cai quản chuyên làm ruộng. Sao Cải trông coi việc
nhà, chăm con nhỏ, nướng thịt nướng thóc làm bữa ăn, nạo da muông
thú làm quần áo che thân…
Nhóm Báo Luông ra sức chặt cây, phá rừng thành ruộng. Ruộng
nương khai phá ngày càng nhiều, xanh rờn một dải từ hai ven sông
Bằng chạy vào chân núi. Sau, Báo Luông còn nghĩ cách chế công cụ
để làm đất cấy lúa tốt hơn: đẽo nhọn đầu gỗ để đào đất được sâu
hơn, gọi là “thầy” (tức là cái cầy), chọn khúc gỗ có nhiều mắt để
làm cho đất tơi mịn hơn gọi là “phưa” (tức là cái bừa). Lại nghĩ ra
cách ngâm thóc, gieo mạ cấy lúa cho bông mẩy hạt. Lại nghĩ cách
bắt con voi rừng, bắt con trâu rừng kéo cày, kéo bừa cho người đỡ
vất vả. Nuôi dạy ba tháng, voi, trâu đã vực được cày. Từ khi có súc vật
giúp sức làm ruộng, ruộng đất ngày càng tốt, thóc lúa thu hoạch
ngày càng nhiều. Có nhiều thóc lúa, Sao Cải không nướng thóc nữa.
Sao Cải nghĩ ra cách nấu cơm, ăn mềm hơn, ngon hơn, nhanh hơn.
Chị chọn hốc đá bỏ thóc vào, lấy cây giã cho vỏ trật ra rồi đem đãi
rửa cho gạo sạch trấu. Xong, chị đào hố xuống đất, lấy lá lót rồi
đổ gạo vào tưới nước xâm xấp, lại lấy lá đậy kín rồi đốt lửa ở trên.
Đun một lúc, gạo chín thơm ngon.
Thóc lúa dư thừa, ăn không hết. Chim muông thì ngày một hiếm,
săn bắt vất vả vẫn không đủ thịt ăn. Vợ chồng Báo Luông, Sao Cải
lại nảy ra một ý nghĩ mới: bắt con gà rừng, bắt con ngỗng trời, bắt
con lợn cỏ… về nuôi bằng thóc lúa thừa để lấy thịt ăn.
Một đêm mưa dầm gió bấc, trời tối như bưng, hổ mò về bắt
heo. Báo Luông vác giáo đuổi theo, đâm chết tươi hổ đói. Từ đó, Báo
Luông lại nghĩ ra cách bắt chó rừng về nuôi, để chó giữ nhà và giúp
người đi săn. Lại bắt ngựa rừng về nuôi, để cưỡi; bắt mèo rừng về