- Đâm chết nó đi!
Dứt lời, cầm dao xông vào chém. Nhạc, Lữ cũng sấn tới. Đằng
hết hồn, co cẳng chạy như bay nên chỉ bị một nhát trúng vai, thoát
chết. Dân chúng vỗ tay reo hò, náo động cả ấp.
Thầy Hiến biết chuyện, khen anh em Nhạc, Huệ.
- Thấy sự bất bình mà không bỏ qua thế mới gọi là kẻ anh
hùng. Bấy lâu, ta vẫn ngẫm nghĩ về câu sấm “Tây khởi nghĩa,
Bắc thu công”. Ta ngờ “Tây” chính là đất Tây Sơn ta. Nếu làm
nên việc lớn thì chẳng những cứu được dân lành ở Nam Hà (Đàng
Trong), mà đất Bắc Hà (Đàng Ngoài) kia khó gì không lấy được!
Được lời thầy bảo, anh em Nhạc Huệ càng vững tâm. Từ bữa ấy,
cả ấp Tây Sơn rậm rịch, ngấm ngầm sửa soạn việc khởi binh.
Mùa xuân năm Tân Mão (1771), Nhạc, Huệ trương một lá cờ đỏ
dài hai mươi nhăm thước
ngay trên sân nhà, rồi chiêu tập những
người nghèo trong ấp lại bảo:
- Bây giờ trong triều thì quyền thần Trương Phúc Loan lấn át
cả chúa, tham tàn, bạo ngược hết mức; ở ngoài thì quan lớn quan
nhỏ ra sức vơ vét, giàu sang, hoang phí vô cùng, bắt dân nghèo ta
phải chịu thuế nặng sưu cao, hình phạt hà khắc. Lẽ nào ta chịu hãm
mình mãi trong vòng tai vạ của chúng, phải cùng nhau đứng dậy, lấy
của cải của bọn nhà giàu ấy mà chia cho dân nghèo ta chứ!