khách để dò la. Lại hiềm một nỗi nghĩa sĩ bốn phương kẻ sang
người hèn, mỗi người mỗi nết, hoặc vốn là quý tộc như Trần
Nguyên Hãn; dòng dõi khoa bảng như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo;
có tiếng văn học như Lê Văn Linh hoặc là con người thứ dân đi buôn
như Nguyễn Xí, Lưu Nhân Chú; làm người ở chăn trâu như Trịnh
Khả, Nguyễn Chích; chài lưới trên sông như Nguyễn Thận… Đám Lê
Lai, Lê Sát, Lê Ngân, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Liễn, Bùi Quốc Hưng,
Trịnh Võ, Trương Lôi, Trịnh Đồ… cũng về quần tụ. Lê Lợi đều
hậu đãi ân cần, ngày đêm dò xem ý tứ nhưng vẫn chưa thật tỏ tường.
Bèn hội cả lại, ướm hỏi:
- Tôi bấy lâu ôm tài chứa khí, bức bối mà không được cởi mở,
mới phải trốn vào rừng núi khẩn hoang dựng nghiệp. Các ông mến
tiếng mà lận đận về đây hợp sức. Giờ nên làm gì có ích?
Có người nói:
- Tôi nghe Lam Sơn đất hiểm dân giàu, trại chủ là người biết
dốc của nhà mà đãi khách một cách nhún nhường, lại lấy việc của
thiên hạ làm trách nhiệm của mình, đó là tư cách của bậc đế vương
nên mới họp nhau lại tôn phù làm minh chủ.
Lê Lợi thủng thỉnh đáp:
- Ý ông thì thế. Chỉ sợ nhiều người khác chí.
Mọi người đều nói:
- Không phải. Lũ chúng tôi tâm đã đồng, chí đã quyết, xin minh
chủ cho lập đàn thề để rõ lòng thành thực, dứt mối hồ nghi.
Lê Lợi cả mừng nói:
- Được như vậy thì trời cũng giúp vì, việc nước hẳn có cơ hưng
khởi, nghiệp lớn chắc có thể thành được.