gắng mà vượt qua thử thách này. Bản chất của thử thách ấy chẳng hề dễ
chịu với ai cả. Đối với kiểu đau khổ này, nếu không nhanh chóng phản ứng
thì người ta sẽ chẳng làm chủ được bất kỳ điều gì nữa. Người ta phải chứng
kiến sự trượt ngã của chính mình, và sẽ không nhận thấy cái vực thẳm đang
nuốt chửng mình mãi mãi... Có một tối, Kim rủ tôi đến nhà ông cô, ở gần
biển. Tôi nói rằng tôi chưa sẵn sàng hòa nhập lại với những chuyện sẽ
không bao giờ còn được như trước đây nữa. Tôi cần sống chậm lại, cần
hiểu chuyện gì đã xảy đến với tôi. Thế nhưng, suốt ngày dài, tôi giam mình
trong phòng ngủ và không nghĩ ngợi gì hết. Nếu không, thì tôi ngồi bên cửa
sổ phòng khách và trải qua phần lớn thời gian lơ đãng nhìn những chiếc ô
tô lao đi trên đại lộ. Chỉ một lần duy nhất, ý định nhảy lên một chiếc xe và
lao đại đi cho đến khi bộ tản nhiệt nổ tung lướt qua tâm trí tôi; nhưng tôi
không đủ can đảm quay lại bệnh viện lấy xe.
Ngay lúc có thể bước đi không cần dựa vào tường, tôi đã yêu cầu được
gặp Naveed Ronnen. Tôi muốn ma chay tử tế cho vợ tôi. Tôi không chịu
nổi khi nghĩ đến cảnh nàng phải nằm ở một nơi chật hẹp, trong cái ngăn
ướp lạnh của nhà xác, với một cái nhãn dán quanh ngón chân. Để tránh cho
tôi khỏi nổi giận vô ích, Naveed mang các giấy tờ đã được khai đầy đủ đến,
anh chỉ cần chữ ký của tôi.
Tôi đã trả tiền phạt và nhận xác vợ mình về mà không cho ai biết. Tôi
muốn chôn cất Sihem ở một nơi thật thân thuộc, ở Tel-Aviv, thành phố nơi
lần đầu chúng tôi gặp nhau và nơi chúng tôi quyết định sống cùng nhau cho
đến lúc cái chết chia lìa hai người. Ngoài phu đào huyệt và vị thầy cả ra, thì
chỉ có mình tôi ở nghĩa địa.
Khi đất được phủ lên cái hố nơi từ đây phần tốt đẹp nhất đời tôi yên
nghỉ, tôi mới cảm thấy khá hơn một chút. Cảm giác đó giống như tôi làm
tròn được một trách nhiệm mà tôi cứ ngỡ không làm nổi. Tôi nghe hết
những đoạn kinh thầy cả đọc rồi nhét mấy tờ ngân phiếu vào bàn tay vờ rụt
lại từ chối của ông ta và trở lại thành phố.