“Tốt hơn nhiều,” cô ấy nói, “dù thuốc có thể mất một thời gian mới phát
huy tác dụng. Tuy nhiên, một khi thuốc đã phát tác, cậu sẽ lấy lại niềm
hứng thú trong cuộc sống; mọi thứ trở lại đầy màu sắc và hương vị.”
Nói cách khác, đau khổ đã trở thành một nguồn thu nhập của ngành dược
phẩm. Cảm thấy buồn ư? Hãy dùng thuốc này và vấn đề của bạn sẽ được
giải quyết.
Tôi hỏi, rất rón rén, rằng cô ấy có muốn cộng tác bằng cách viết một bài
dài về vấn đề trầm cảm cho báo tôi không.
“Chẳng ích gì đâu. Ngày nay, người ta chia sẻ tất tật cảm xúc của họ trên
mạng Internet. Rồi còn cả thuốc men nữa.”
Người ta thảo luận những gì trên Internet nhỉ?
“Tác dụng phụ của những loại thuốc khác nhau. Không ai quan tâm đến
những hội chứng của người khác, bởi vì hội chứng dễ lây lan, và đột nhiên
bạn cảm thấy những điều mà trước đây bạn không cảm thấy.”
Chỉ thế thôi ư?
“Không, có cả các bài tập thiền nữa, nhưng tớ nghĩ chúng không có tác
dụng nhiều. Tớ đã thử qua hết rồi và chỉ bắt đầu cảm thấy tốt hơn khi tớ
chấp nhận rằng mình có vấn đề.”
Nhưng biết rằng không chỉ bản thân mình bị như vậy chẳng phải cũng
hữu ích sao? Chẳng phải nói về hệ quả của trầm cảm cũng có tác dụng tốt
với người khác ư?
“Không, không hề. Nếu vừa từ địa ngục chui ra, cậu đâu có muốn biết
lúc này cuộc sống ở dưới đó thế nào.”
Tại sao cô ấy lại để tình trạng đó kéo dài nhiều năm như vậy?
“Bởi vì tớ đã không tin mình có thể bị trầm cảm. Và bởi vì mỗi khi tớ
nói chuyện này với cậu, hay với những người bạn khác, ai nấy đều bảo là
vớ vẩn, rằng những người có vấn đề thực sự sẽ không có thì giờ để cảm
thấy bị trầm cảm.”
Đúng là tôi có nói vậy.