Tôi nài nỉ: một bài báo hay bài viết trên blog lẽ nào không giúp người ta
đối phó tốt hơn với căn bệnh này và tìm sự giúp đỡ sao? Vì tôi không bị
trầm cảm, dĩ nhiên, và tôi không biết cảm giác đó thế nào - tôi vẫn nhấn
mạnh điểm này - cô ấy có thể kể một chút cho tôi được không?
Bạn tôi dè dặt, có lẽ nghi ngờ động cơ của tôi.
“Nó giống như bị mắc bẫy. Cậu biết mình đang bị kẹt, nhưng cậu không
thể thoát ra...”
Đấy chính xác là điều tôi cảm thấy vài hôm trước.
Cô ấy bắt đầu liệt kê một loạt những điều có vẻ là điểm chung của những
người đã ghé thăm chốn cô gọi là “địa ngục” ấy. Không muốn ra khỏi
giường.
Cảm thấy nhiệm vụ đơn giản nhất cũng đòi hỏi một nỗ lực phi thường.
Đầy mặc cảm tội lỗi bởi vì bạn không có lý do nào để lâm vào tình trạng
này, trong khi còn quá nhiều người trên thế giới đang thực sự chịu khổ đau.
Tôi cố tập trung vào món ăn tuyệt vời, nhưng nó đã bắt đầu mất đi hương
vị. Bạn tôi nói tiếp: “Thờ ơ. Vờ như hạnh phúc, vờ như đạt cực khoái, vờ
như vui vẻ, vờ như ngủ ngon, vờ như đang sống. Cho đến một thời điểm
nào đó, cậu chạm đến vạch đỏ tưởng tượng và nhận thấy nếu cậu vượt qua,
sẽ không có đường quay lại. Vậy là cậu thôi than vãn, bởi than vãn nghĩa là
ít nhất cậu đang đấu tranh với điều gì đó. Cậu chấp nhận tình trạng thực vật
này và cố giấu mọi người. Công việc ấy thật khó khăn.”
Và điều gì khiến cậu trầm cảm?
“Không có gì cụ thể cả. Nhưng tại sao có quá nhiều câu hỏi như vậy?
Cậu cũng có cảm giác bị trầm cảm?” Dĩ nhiên là không!
Tốt nhất nên thay đổi chủ đề.
Chúng tôi nói về chính trị gia mà hai hôm nữa tôi sẽ phỏng vấn. Anh ta
là bạn trai cũ của tôi từ hồi còn trung học, có lẽ anh ta còn chẳng nhớ chúng
tôi đã trao nhau vài nụ hôn, và anh ta từng chạm vào bộ ngực tôi.