phương tổ chức. Chúng tôi đã trao đổi về chuyện này hôm qua trên giường
khách sạn, trong khi Jacob hút thuốc như thường lệ trước khi mặc đồ ra về.
Tôi không thể từ chối lời mời bởi tôi đã gửi thư báo sẽ tới dự. Anh ta
cũng vậy, và thay đổi ý định lúc này “sẽ rất tệ cho sự nghiệp của anh ta.”
Tôi cùng chồng đến trụ sở đài truyền hình, và chúng tôi được thông báo
bữa tiệc đang diễn ra trên tầng thượng. Điện thoại của tôi đổ chuông trước
khi chúng tôi vào thang máy nên tôi buộc phải rời khỏi hàng và đứng ra đại
sảnh để nói chuyện với sếp, trong khi những người khác đang tới, mỉm
cười với vợ chồng tôi rồi kín đáo gật đầu. Có vẻ như tôi biết hầu hết mọi
người.
Sếp bảo bài báo về pháp sư người Cuba - bài thứ hai được đăng hôm
qua, dù đã được viết cách đây hơn một tháng - được nhiều độc giả quan
tâm. Tôi phải viết thêm một bài để hoàn thiện loạt bài đó. Tôi giải thích
rằng người đàn ông đó không muốn nói chuyện với tôi nữa. Sếp bảo tôi tìm
ai đó khác “trong ngành”, bởi không còn gì nhàm chán cho bằng những ý
kiến truyền thống (các nhà tâm lý học, xã hội học, v.v...) Tôi không biết ai
“trong ngành”, nhưng vì tôi cần ngắt máy, nên tôi hứa sẽ nghĩ về việc này.
Jacob và vợ đi ngang qua gật đầu chào chúng tôi. Sếp tôi đã toan ngắt
máy, nhưng tôi quyết định tiếp tục trò chuyện. Chúa cấm chúng tôi đi cùng
thang máy! “Nếu chúng ta cho một gã chăn gia súc và một mục sư Tin lành
ngồi với nhau thì sao?” tôi gợi ý. “Chẳng phải sẽ thú vị khi ghi lại cuộc trò
chuyện giữa họ về cách họ đối phó với stress và buồn chán sao?” Sếp bảo
đó là một ý hay, nhưng tốt hơn là tìm được ai đó trong ngành. Được rồi, tôi
sẽ cố. Cánh cửa đã đóng lại và thang máy đã chạy. Tôi có thể ngắt máy mà
không phải lo lắng.
Tôi giải thích cho sếp rằng tôi không muốn là người cuối cùng đến bữa
tiệc. Tôi đã trễ hai phút rồi. Chúng tôi sống ở Thụy Sĩ, nơi đồng hồ luôn
luôn chạy chuẩn.
Đúng, suốt mấy tháng qua tôi cư xử rất kỳ lạ, nhưng có một điều không
bao giờ thay đổi: tôi ghét đến các bữa tiệc. Tôi không thể hiểu tại sao người