Vả lại, công việc chỉ đơn giản là dùng cuốc chim và cuốc bàn đào xới nền
để lấy đất, thường được cấu tạo từ cát đỏ lẫn với sỏi. Một khi được đưa lên
đến miệng hố, đất được chuyển tới những bàn phân loại để rửa nước, tán
nhuyễn, sàng sẩy, và cuối cùng được xem xét kỹ lưỡng xem nó có chứa đá
quý không.
Những khu đất này, vì cứ đào riêng lẻ chỗ này chỗ kia, tự nhiên tạo nên các
hố có độ sâu khác nhau. Có những hố sâu đến cả trăm mét và hơn nữa,
chạm sâu xuống lòng đất, lại có những hố chỉ sâu mười lăm, hai mươi hay
ba mươi.
Để phục vụ cho nhu cầu công việc và vận chuyển, mỗi một khu đất được
ràng buộc theo các quy định chính thức, chừa một phần ở bờ trên miệng hố
một khoảng rộng bảy piê không được đào bới. Không gian này, cộng với
khoảng rộng tương ứng của hố bên cạnh, được dành làm thành một kiểu
mặt đường hoặc thành con đường đắp, ngang tầm với độ cao ban đầu của
nền đất. Trên các ụ nổi ấy, người ta đặt theo chiều ngang một dãy rầm xà,
tràn ra hai bên mỗi bên chừng một mét và tạo ra phần bề rộng vừa đủ cho
hai chiếc xe bò đi qua mà không húc phải nhau.
Thật không may cho độ bền của con đường treo ấy và cả sự an toàn cho
cánh thợ mỏ, vì các chủ khu đất đã không bỏ lỡ dịp đào khoét sâu thêm
dưới chân thành hố, những công trình càng ngày càng lún sâu thêm, đến nỗi
con đường đắp rốt cuộc có dạng kim tự tháp chúc ngược đứng tựa trên
đỉnh, nó nhô lên với độ cao có khi gấp đôi độ cao của các tháp nhà thờ Đức
Bà. Hậu quả của vị thế sai lệch này rất dễ đoán định. Đó là chuyện sạt lở
thường xuyên của các thành hố, hoặc vào khi mùa mưa, hoặc vào khi có sự
thay đổi nhiệt độ đột ngột tạo thành các đường nứt trong đất. Nhưng sự tái
diễn có chu kỳ của những tai nạn đó không ngăn nổi những người khai thác
mỏ khinh suất cứ tiếp tục đào khoét cho đến giới hạn tận cùng của bờ vách.
Cyprien Méré, khi tiến lại gần mỏ, thoạt tiên chỉ thấy các xe ba gác, đầy
hoặc trống không, qua lại trên các lối đi treo. Nhưng khi chàng đến khá gần
rìa đường đi để có thể nhìn sâu xuống bên trong dạng công trình này, chàng