-Bán cho tao hai miếng kẹo đậu phộng!
Hợi thô lố mắt nhìn bàn tay đang chìa ra của Thục:
-Mày có bao nhiêu nắp keng đó?
-Mười cái.
Hợi nhún vai:
-Mười cái chỉ mua được một miếng kẹo thôi.
-Mày bán mắc vậy? – Thục đá chân vô chiếc ghế thấp thằng Hợi đang
ngồi, hừ mũi – Năm ngoái tao nhớ là…
Hợi phẩy tay, cắt ngang:
-Năm ngoái khác, năm nay khác. Mày không mua thì thôi.
Thục đành phải trả thêm mười nắp keng nữa, mặt mày đau khổ như
thể nó vừa phải hy sinh thêm mười ngón tay hay mười ngón chân.
Nó đón lấy hai miếng kẹp, không quên chửi kèm một câu cho hả tức:
-Đồ tham lam!
Trên đường về, thằng Thục vẫn chưa nguôi hậm hực:
-Để ngày mai chơi bi, em sẽ ăn sạch nắp keng của thằng Hợi cho anh
coi.
“Bi” trong trò chơi của bọn trẻ làng tôi không phải là những viên bi ve
đắt tiền đang bày bán trong tiệm tạp hóa của mẹ thằng Hợi. Mỗi đứa chọn
cho mình một cái nắp keng tròn trịa nhất, ưng ý nhất, đổ đầy sáp đèn cầy
vào, nén chặt, đợi cho khô rồi đem ra chơi thay cho những viên bi thủy
tinh.