Đoạn ông ta lôi chiếc đèn lồng ra với bàn tay gân guốc run run, một sợi
dây điện nối vào chiếc đèn vàng nhỏ ở trong chiếc đèn lồng và được cắm
vào ổ cắm trên tầng hai. Ông thầy gấp nhỏ một nửa lá bùa còn lại rồi đặt
vào bên trong chiếc đèn lồng đang treo lơ lửng trước cửa nhà tôi.
Ông dúi vào tay bố tôi vài lá bủa xanh đỏ na ná như chiếc bùa ông ta vừa
đốt rồi dặn: “Nhớ để ý bùa nhé. Mất màu hay cháy là phải thay đi, không
thì mất tác dụng đấy…”
Bố tôi gật đầu vâng dạ rồi tiễn ông ta và ông trưởng làng đi ra khỏi cửa.
Tôi còn nghe giọng ông cụ loáng thoáng: “Thế cậu (ý nói ông trưởng làng)
bao giờ mới giải quyết được chuyện này? Đến tôi… ngần này tuổi rồi…
chắc cũng sắp chẳng dám bước vào ngôi làng này thêm nữa…”
“Vâng… vâng…” Ông Lãng gật gật cái đầu: “Cháu đang cố gắng đây…
Dù sao cũng là cái nghiệp…”
Họ đi vòng vòng ra ngoài cửa, tránh đi những vệt lỏng vàng quánh vẫn
còn vương khắp nơi trên sàn nhà, dâng lên từ các khe nứt, sùi bọt lên dưới
ánh nắng ngoài trời.
Chiều tối xuống, mọi người dừng tay. Mẹ tôi nấu cơm bằng cái bếp ga du
lịch đặt trong góc sân thượng. Bố kê ra cái bàn gỗ vuông chúng tôi hay
dùng để ăn cơm và bốn cái ghế. Chúng tôi bắt đầu bữa cơm trong im lặng.
Từ lúc đặt chân đến ngôi làng này, tôi đã cảm thấy có gì đó rất khó chịu
và bức bí. Hành động kì lạ của bố mẹ tôi lại càng khiến tôi thêm khó hiểu.
Mẹ tôi bắt đầu cất tiếng: “Tuần sau, hai đứa bắt đầu đi học ở trường dưới
huyện nhé. Mẹ xin rồi. Hai đứa quen học ở thành phố rồi nên xuống dưới
này học chắc là cũng không gặp nhiều khó khăn đâu. Bố mẹ biết là thiệt
thòi cho hai đứa… nhưng mong hai đứa thông cảm cho bố mẹ…” Tôi chỉ
cắm cúi ăn, không biết nói gì hơn. Cổ họng tôi cứ nghẹn lại. Đột nhiên
cuộc sống của tôi phải thay đổi, điều đó đâu dễ dàng chấp nhận được.
Bất chợt một hồi còi rất chói vang lên âm khắp ngôi làng. Pipi pipi…
Hồi còi kéo dài gần một phút mới tắt. Trong tiếng còi, tôi nghe thấy tiếng