Từ đó ngày nào Hiệp cũng rẽ qua nói chuyện với Thu. Những cơn mê
tìm tới Thu ngày càng nhiều hơn. Có lần, hai người đã chứng kiến Thu lùng
sục lên, cầm băng dính dán kín mọi ô cửa trong nhà. Hiệp và bà Thơm phải
ôm Thu ghì xuống mới cản được hành động kì lạ đó. Có lần Thu ôm Hiệp
khóc, nói rằng đêm nào cũng có người bơi tới bên cửa sổ, đập cửa đòi vào,
xung quanh ngôi nhà ngập nước. Nó nói Thu phải đi theo nó.
Rồi sau đó, đã có những lần Thu vùng thoát ra khỏi nhà, chạy thẳng về
phía cây cầu muốn gieo mình xuống, Hiệp phải kéo lại, dốc thuốc an thần
vào miệng. Khi tỉnh lại, Thu sẽ chẳng còn nhớ gì. Đó cũng như một chứng
bệnh hay là một nỗi ám ảnh tâm linh, không ai hiểu cả. Sự việc khó mà
giấu kín nữa nên bà Thơm đi từng nhà, cậy nhờ người dân trong làng để ý
Thu khi bà còn phải đi kiếm cơm. Họ hàng bà Thơm ở thành phố này
không có, tứ cố vô thân, không người giúp đỡ. Vì thế ‘bán anh em xa, mua
láng giềng gần’, bà Thơm chỉ mong hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.
Người dân trong đảo cũng thấu hiểu những điều khó nói của làng nên cũng
nhận để ý giúp cái Thu. Mọi chuyện cứ trôi qua trong phấp phỏm như thế.
GIAI ĐOẠN 3: CHIẾM HỮU
Sau đó, Thu chẳng thể đi làm nữa. Bà Thơm không yên tâm, bà khóa cửa
nhốt con ở nhà cả ngày, khóa nguồn nước, chỉ để đúng một chậu nước nhỏ
nông lại.
Có những ngày Thu điên cuồng đập cửa, kêu khát, nóng bức, muốn trầm
mình xuống sông. Những đường vân đen vẫn cứ lan rộng, sờ vào bỏng rát.
Nhiều người phải ghì chặt Thu xuống, tiêm thuốc an thần mới qua cơn. Có
người còn độc mồm độc miệng:
“Áp lực cuộc sống nên sinh hoang tưởng ấy thôi! Cho nó vào trại tâm
thần mà chữa !”
Một ngày, Hiệp qua sớm với Thu, hoảng hốt không thấy cô bạn mình
trong nhà. Sợ có chuyện chẳng lành xảy ra, Hiệp chạy khắp nhà để tìm.
Quái lạ, khi cô đến, nhà cửa vẫn khóa cẩn thận. Bà Thơm có giao cho Hiệp