Thầy Lộc lẩm bẩm: “Cầm gia… trong cái bài thơ đó… có lẽ là ngôi nhà
giam cầm họ ở đây… Ngôi nhà đá này bị ấn, không phải tự dưng mà dựng
được thành hình như thế mà có ấn kết nối với nhau… Giờ tôi phải giải
ấn…”
Ông Mười không nghe rõ mới hỏi lại: “Gì cơ thầy?”
“Lùi lại…”
Nói rồi một mình thầy Lộc tiến lên phía trước. Thầy rút thứ nằm trong
bọc sau lưng ra. Đó chính là một thanh đoản kiếm cán trông đã rất cũ. Thầy
Lộc cẩn thận tháo viên ngọc ấn chùa Thiên Mụ ra khỏi cổ, trước khi Vĩnh
được đưa vào viện anh đã nhẹ nhàng cất đi. Bây giờ thầy Lộc mới khẽ
khàng cuốn chặt ngọc ấn vào cán kiếm. Xong việc đó, thầy rút năm lá bùa
có năm màu khác nhau, đã được họa sẵn ra rồi xiên nhẹ vào cán kiếm, mỗi
lá bùa cách nhau hai đốt ngón tay.
Nói xong thầy từ từ lại gần ngôi nhà bằng đá. Thầy Vĩnh chọc khẽ mũi
kiếm thăm dò, thế nhưng ngôi nhà có vẻ chắc chắn một cách khó hiểu. Giờ
mới quan sát kĩ bên trong ngôi nhà có một hình nhân gỗ khắc dán bùa Trấn.
Bằng một động tác dứt khoát, thầy Lộc lấy mũi kiếm đâm thẳng vào hình
nhân. Tay thầy run lên như có một lực đẩy mãnh liệt. Hình nhân đó dần bốc
khói, nóng đỏ rồi vỡ ra. Khói bay ngút lên trên mảnh trời, mùi hăng hắc.
Thầy Lộc lại vung thanh đoản kiếm, vuốt một lá bùa ra bằng hai ngón
tay, máu ứa ra. Thầy nhẩm chú trong miệng, phạt bay lá bùa về phía trước.
Kì lạ thay những viên đá kia chắc chắn đến vậy giờ lại vỡ vụn ra.
Thầy Lộc cứ phạt từng lá bùa như thế, máu chảy ròng ròng trước ánh
mắt kinh ngạc của ba người còn lại. Gió từ đâu thổi đến từng cơn, những
tán cây xào xạc trong gió như một bài ca cầu hồn.
Lá bùa cuối cùng bay về phía đống tàn tích từng là ngôi nhà đá giữa
rừng. Thầy Lộc đốt lên một lá bùa đỏ như lửa thiêng rồi ném vào đó. Tất cả
bốc cháy ngùn ngụt, thế nhưng chỉ một phút sau, trên mặt đất chỉ còn lại tro
tàn. Thật kì lạ!