Thầy Lộc lấy băng gạc băng bàn tay đang chảy máu của mình lại rồi nhờ
ông Mười và hai cậu thanh niên cứ thế mà đào xuống dưới lớp tro. Đó là
một thuật ếm cổ, tạo một cổng khóa không cho ai thâm nhập vào.
Ông Mười và hai thanh niên hì hục đào sâu xuống dưới. Họ đào được
một chiếc quan tài lớn bằng gỗ đã mục. Họ cạy nắp quan tài lên.
Ở bên trong là hai thân hình người được bọc kín trong vải trắng, quấn
xung quanh là chỉ đỏ. Ở nơi chỗ đáng ra là bốn con mắt của con người thì
là bốn chiếc kim nhọn trông như gỗ cắm vào.
Thầy Lộc khẽ xuýt xoa: “Ghê quá, yểm đấy… Cắm kim vào mắt để
không thấy đường đi, không gọi người đến cứu được. Hồn kẹt ở đâu thì vẫn
mãi ở đấy thôi… Đúng là thăng thiên tại trời, thành sự tại nhân, có khi đến
lúc được siêu thoát vẫn không siêu thoát được vì bị yểm ở đây, phải có
người cứu may ra…”
Thầy Lộc bắt đầu khấn vái làm lễ sang cát. Buổi lễ này cũng kì lạ hơn
bao nhiêu những buổi lễ quật mộ khác vì nó diễn ra ban ngày, giữa âm u
cây rừng, thời gian gấp rút rồi nên không thề lần khân mãi. Ông Mười rửa
xương bằng nước thánh và nước lạch rất trong. Hai bộ xương khô được xếp
lại, bọc kín.
Lúc xong xuôi mọi việc cũng là quá trưa. Ông Mười cùng hai thanh niên
trẻ lại chèo thuyền về. Ánh nắng tràn khắp mặt sông. Xác của hai con
người thiên cổ ấy cũng rời khỏi lạch nước mà được giải thoát.
Chiều hôm ấy, đợi giờ đẹp, không muốn nghỉ ngơi một chút nào, thầy
Lộc làm đàn lễ cúng siêu thoát cho vong hồn của hai con ma da cùng mấy
trăm người chết oan nơi con sông này bao nhiêu năm về trước. Buổi lễ
cúng ba ngày trời bên bờ sông, khói bốc lên mịt mù từ những giá nến lớn,
bao nhiêu vàng mã đồ cúng chúng sinh đều được bày biện ra hết kín hàng
chục mâm. Nhiều người dân hiếu kỳ còn kéo đến xem chật kín cả cây cầu.
Tối ba ngày đó, những ngọn hoa đăng đủ màu sắc được người dân thả
xuống cầu nguyện cho những linh hồn dưới sông.