đó, cậu bé cũng chẳng còn biết chuyện nào với chuyện nào nữa. Cậu bị
chuyển tới nhiều nơi, người ta sờ nắn thân thể cậu, nghe tiếng bao kẻ xì xào
bàn tán. Khi người ta đưa vào trong phòng phẫu thuật, bố mẹ có tiễn cậu đi.
Mẹ chắp tay lại như khẩn cầu thần Phật.
Từ đó, cậu chẳng còn nhớ gì nữa. Lúc mở mắt ra, cảnh sắt chung quanh đã
đổi khác. Đó là phòng điều trị tập trung.
Cậu nghe bảo đã phẫu thuật ghép tim xong, mọi thứ đều thành công.
Đó là ngày mùng 2 tháng Tư, của ba năm về trước.
Từ đó, cậu vẫn tiếp tục cuộc đời trong bệnh viện. Nhưng ý nghĩa của nó đã
khác hoàn toàn với trước ca phẫu thuật. Từ những ngày dằng dặc đợi chờ
cấy ghép mà chẳng biết có đợi nổi hay không, giờ mục tiêu mỗi ngày là
được xuất viện. Cậu bé tập ngồi dậy, tập đi lại, mọi thứ đều chứa đựng khát
khao sống.
Cậu có thể đi thật xa mà không thấy mệt. Ăn cũng thấy ngon miệng. Cậu có
thể gào thật to. Những điều hiển nhiên đó lại làm cậu thấy vui đến vậy.
Trong lúc tập phúc hồi, cậu còn kết được bạn mới nữa. Nói là bạn nhưng
người này hơn cậu đến hơn sáu mươi tuổi. Một ông cụ gầy gò ngồi xe lăn,
lúc nào cũng mang theo cây đàn ukelele bên mình.
“Nó là niềm vui ‘độc nhất’ của ông đấy, có thể đàn lại hay như thế này đúng
là một giấc mơ,” ông cụ vui vẻ nói với chất giọng kỳ dị.
Cậu hỏi ra mới biết rằng mấy năm trước ông bị tai nạn, chấn thương cổ,
chân tay hoàn toàn không thể cử động được. Nhưng ông đã được phẫu thuật,
cấy vào người loại công nghệ tiên tiến giúp cử động trở lại.
“Nó thu về những sóng tín hiệu phát ra từ não bộ, bắt được tín hiệu yêu cầu
cử động chân tay, rồi bộ thiết bị đặt ở lưng của mình sẽ truyền tín hiệu này
vào tuỷ sống, giúp tay ông cử động được này này,” ông cụ lúng túng gẩy
những dây đàn ukelele. “Tuy ông không biết là do ai, ở đâu làm ra nhưng
người đó đã phát minh ra một thứ tuyệt vời. Y học tài thật.”