làm lễ cưới. Mười năm xa cách. Tuổi trẻ dường như qua đi. Nhưng tình yêu
của họ vẫn tươi mới, đằm thắm như ngày nào. Đám cưới ấy, chính bố tôi -
ông chủ tịch xã về hưu - đã thân hành vào trại an dưỡng của chú Toàn tổ
chức cho hai cô chú. Và ông đã khóc vì ân hận.
* *
Tưởng như chú Toàn và cô Thảo tôi là những người thực sự hạnh phúc.
Chú Toàn, sau mười năm ở chiến trường, đã trút bỏ được bộ áo khoác lý
lịch nặng nề. Chú được kết nạp Đảng tại trận, được phong danh hiệu dũng
sĩ, phong quân hàm. Ra Bắc, chú tiếp tục được cử đi đào tạo tại trường
quân sự cao cấp và được điều về công tác ở Hà Nội. Còn cô Thảo tôi, liên
tiếp được đề bạt từ phó quản đốc lên phó giám đốc nhà máy, được phân nhà
ở, một căn nhà mà sau này trở thành nơi đắt giá nhất của thành phố.
Cô Thảo tôi sinh liền trong hai năm được một trai một gái, đặt tên là
Mừng và Duyên. Công thức sinh đẻ như thế, cánh trẻ bây giờ gọi là "hơi bị
đẹp".
Thằng Mừng và cái Duyên - bản thân hai cái tên nôm na đó đã hàm chứa
niềm ước vọng và sự thỏa mãn tột cùng của hai cô chú tôi. Quả tình, cho
đến khi chúng đến tuổi đi học, trong mắt tôi và bao người khác, chúng vẫn
là những thiên thần. Mừng đẹp trai, khỏe mạnh, học thông minh. Riêng bé
Duyên thì quả là hiếm có cô bé nào xinh đẹp như thế. Nhiều người bảo:
Sau này nhất định Duyên sẽ trở thành hoa hậu trong các cuộc thi người đẹp.
Vậy mà tai họa bỗng ập đến.
Khi thằng Mừng lên tám tuổi thì nó bỗng bị chứng rụng tóc và hai chi
dưới teo dần. Đến năm Mừng mười tuổi thì nó hoàn toàn không còn khả
năng đi lại được. Tiếp theo, đến lượt cái Duyên, nó bị rụng tóc, nổi mụn
khắp người, tròng mắt trồi ra, trí nhớ giảm sút. Bao nhiêu của nả, tiền nong
trong nhà cô chú tôi lần lượt đội nón ra đi. Nghe nói có bác sĩ nào giỏi, ông
lang nào có tiếng, cô chú tôi đều tìm đến cầu cứu. Nhưng tất cả đều vô
vọng. Các bác sĩ đều kết luận: Mừng và Duyên bị hậu quả của chất độc
màu da cam mà suốt mười năm ở chiến trường chú Toàn tôi đã nhiễm phải.