viên trong và ngoài nước xô đến phỏng vấn nhà vô địch. Hóa ra nhà vô
địch là một thanh niên còi của vùng Cổ Hến. Phóng viên hỏi: “Động cơ nào
khiến anh vượt qua hồ cá sấu đoạt chức vô địch?”. Nhà vô địch, mặt xanh
như đít nhái, chân còn run cầm cập, nhớn nhác nhìn quanh như tìm ai đó:
“Mẹ cha đứa nào chơi đểu tôi, chứ tôi có dự thi đâu. Tôi đang đứng xem thì
từ phía sau, nó đẩy tôi xuống nước…” Đại loại như vậy. Tiếu lâm cười ra
nước mắt. Tự trào, thâm thúy mà sâu cay.
Dự án “Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” tiến hành trong ba năm, các
chuyên gia đi về hàng trăm lượt. Đăng ký đề tài. Vận động hành lang. Xin
tài trợ. Điền dã. Viết đề cương. Thẩm định. Phản biện. Bảo vệ cấp cơ sở,
cấp tỉnh, cấp quốc gia, rồi đệ trình lên UNESCO ở Liên hợp quốc... Nghe
nói Công trình văn hóa phi vật thể “Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” được
UNESCO đặc biệt chú ý, được xếp hàng top 10 trong số 1948 hồ sơ toàn
cầu.
Sau thắng lợi của dự án, ông viện trưởng càng quý lão Từ.
- Bác phải nghĩ giúp em tiếp một dự án nữa - Ông viện trưởng nói - Ví
dụ dự án bảo tồn điệu hò “Giã gạo” quê em chẳng hạn. Giã gạo theo từng
cặp. Đàn ông đứng dưới, đàn bà đứng trên. Mỗi lần dận chân nhún chày,
đàn ông ưỡn người lên, cất giọng: “Hò ơ, ta giã mạnh vào…” Người nữ
khom mông, cười khúc khích, hò tiếp: “Cho chày nện thủng cối, để em trao
anh tình…” Ông viện trưởng vừa hò, vừa nhún nhảy thị phạm. Lão Từ
ngượng tím mặt, nhưng viện trưởng lại tưởng lão cảm động.
- Bác thấy quê em có tuyệt vời không? Dự án “Tiếu lâm dân gian vùng
Cổ Hến” vừa rồi khiến các anh ở trên càng tín nhiệm viện ta. Bác về nghỉ
thì gay. Xong một dự án này nữa thì bác có thể yên tâm hồi hưu…
Trong câu nói chân tình của viện trưởng, không giấu giếm chất cơ hội,
thực dụng và cục bộ địa phương. May mà trong lão còn cái chất kẻ sĩ, nó
như cái cần ăng-ten nhạy cảm, nhận ra ngay bước sóng lạ.
- Nhảm.
Lão buông một câu rồi về.